Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Chuyên đề Nghiên cứu - chính sách tôn giáo

Phật giáo thành phố Cần Thơ nhìn lại 5 năm - một chặng đường phát triển

Ngày 16/03/2022 10:59 đăng bởi uthau

                             Thành viên Ban Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027 ra mắt

    I. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH

    1. Đặc điểm, tình hình tôn giáo:

     Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương, cũng là thành phố hiện đại và lớn nhất của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông. Thành phố Cần Thơ cũng được xác định là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội, đóng vai trò quan trọng việc thúc đẩy sự phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với vị trí quan trọng của thành phố Cần Thơ, các tôn giáo cũng chọn nơi đây làm trung tâm hệ thống tổ chức Giáo hội và trường đào tạo chức sắc cấp khu vực và của cả nước.
    Hiện trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 13 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Baha’I, Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Tịnh độ Cư sĩ, Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Hồi giáo, Bữu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa) đang hoạt động hợp pháp, với 27 tổ chức tôn giáo (01 pháp môn tu hành); Có tổng số 497 cơ sở tôn giáo (286 cơ sở thờ tự, 76 trụ sở hành chính đạo, 80 địa điểm hợp pháp của các tôn giáo, 30 cơ sở tôn giáo hợp pháp khác, 25 cơ sở thờ tự và địa điểm sinh hoạt tôn giáo chưa hợp pháp), với 526 chức sắc, 1.918 chức việc, có 509.875 tín đồ các tôn giáo, chiếm tỷ lệ 40% dân số của thành phố Cần Thơ. Ngoài ra còn có các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo chuyên nghiệp như: Đại Chủng Viện Thánh Quý, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trường Trung cấp Phật học Lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học thành phố Cần Thơ đang hoạt động.

   2. Phật giáo thành phố Cần Thơ:  

   2.1. Về cơ sở tôn giáo: Phật giáo thành phố Cần Thơ hiện có tổng số 191 cơ sở (148 cơ sở thờ tự, 10 trụ sở hành chính đạo, 06 cơ sở hợp pháp khác, 12 địa điểm hợp pháp, 15 địa điểm sinh hoạt tôn giáo chưa hợp pháp), trong đó có 02 cơ sở được xếp hạng di tích cấp quốc gia (chùa Long Quang, chùa Hội Linh, quận Bình Thủy), 01 di tích cấp thành phố (chùa Pôthi Somrôn, quận Ô Môn).
   2.2. Về số lượng Tăng Ni: hiện nay gồm 667 vị, trong đó cụ thể như sau: 14 Hòa thượng, 20 Thượng tọa, 168 Đại đức, 16 Ni trưởng, 52 Ni sư, 170 Sư cô, 66 Sa di, 22 Thức xoa ma na, 43 Sa di ni, 06 Tu nữ, 50 Ngũ giới.

   II. THÀNH TỰU 5 NĂM CỦA GHPGVN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

    1. Về tổ chức bộ máy:

   Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định, hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có 03 cấp (Trung ương, tỉnh, thành và quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh):

   1.1. Cấp Trung ương: Hội đồng chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các ban, viện Trung ương trực thuộc.

   1.2. Cấp tỉnh, thành: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ là cơ quan hành chính đạo, do Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ suy cử để điều hành điều hành, quản lý trực tiếp mọt hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong địa bàn thành phố Cần Thơ. 

   Năm 2017, Đại hội Đại biểu Phật giáo thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2017 - 2022 được tiến hành trọng thể với chủ đề "Đoàn kết - Ổn định - Phát triển" đã suy cử thành phần Ban Trị sự GHPGVN thành phố Cần Thơ gồm 49 thành viên và có 10 Ban chuyên trách.

   Năm 2022, Đại hội Đại biểu Phật giáo thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2022 - 2027 được tiến hành trọng thể với chủ đề "Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển" đã suy cử thành phần Ban Trị sự GHPGVN thành phố Cần Thơ gồm 60 thành viên (04 vị Ban Chứng minh, 21 vị Ban Thường trực, 30 Ủy viên, 05 Ủy viên dự khuyết). Ngoài ra còn có 11 ban chuyên trách gồm (1/ Ban Tăng sự, 2/ Ban Hoằng pháp, 3/ Ban Giáo dục Phật giáo, 4/ Ban Nghi lễ, 5/ Ban Pháp chế, 6/ Ban Từ thiện Xã hội, 7/ Ban Kiểm soát, 8/ Ban Kinh tế Tài chính, 9/ Ban Văn hóa, 10/ Ban Hướng dẫn Phật tử, 11/ Ban Thông tin Truyền thông) và 03 phân ban trực thuộc (1/ Phân ban Ni giới, 2/ Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử, 3/ Phân ban Gia đình Phật tử).

   1.3. Cấp quận, huyện: lần lượt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam 09 quận, huyện đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2021 – 2026 thành công tốt đẹp.

    2. Một số hoạt động nổi bật trong 5 năm qua:

    2.1. Hoạt động tăng sự:
    Trong nhiệm kỳ qua, Ban Tăng sự đã lập hồ sơ đệ trình Hội đồng Trị sự và Ban Tăng sự Trung ương xem xét tấn phong Giáo phẩm cho 38 Chư tôn đức Tăng Ni cụ thể gồm: 06 Hòa thượng, 07 Thượng tọa, 08 Ni trưởng, 18 Ni sư. Ký xác nhận 62 đơn xin xuất gia tu học tại các Tự viện trong thành phố.

    Thể theo truyền thống của Phật giáo, hàng năm khóa An cư Kiết hạ đều được tổ chức trang nghiêm tại các quận, huyện trong thành phố như: Năm 2017 tổ chức tại quận Ô Môn: Trường hạ Tăng - Chùa Tây Cảnh, Trường hạ Ni - Chùa Long Thành; Năm 2018 tổ chức tại quận Thốt Nốt: Trường hạ Tăng - Chùa Phước Long, Trường hạ Ni - Chùa Vi Phước; Năm 2019 tổ chức tại quận Bình Thủy: Trường hạ Tăng - Chùa Long Quang, Trường hạ Ni - Chùa Phước An; quận Cái Răng: Trường hạ Ni - Chùa Phước Long; Năm 2020 và 2021: Trường hạ Tăng - Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (huyện Phong Điền), Trường hạ Ni -  Chùa Phước Long (quận Cái Răng).

    Bên cạnh đó đã tổ chức 02 kỳ Đại giới đàn để truyền trao giới pháp của Như Lai cho hàng Tăng Ni hậu học vào các năm: Đại giới đàn Chơn Đức năm 2018 với tổng số 237 giới tử (115 giới tử Tăng và 122 giới tử Ni); Đại giới đàn Thiện Tâm năm 2020 tổ chức nội bộ do tình hình dịch COVID-19 gồm 106 giới tử (66 giới tử Tăng và 40 giới tử Ni).

    2.2. Hoạt động đào tạo tăng ni:
   Công tác Giáo dục Phật giáo của thành phố Cần Thơ luôn được chú trọng quan tâm phát triển về mọi mặt, hiện nay Phật giáo Cần Thơ có Trường Trung cấp Phật học với 02 hệ đào tạo là Trung cấp đặt tại chùa Phước Long, quận Cái Răng và lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học đặt tại chùa Long Quang, quận Bình Thủy.

    Trong nhiệm kỳ qua đã hoàn thành chương trình đào tạo và tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho 308 Tăng Ni sinh hệ Trung cấp (120 Tăng Ni sinh khóa II, 94 Tăng Ni sinh khóa III) 148 Tăng Ni sinh lớp Cao đẳng chuyên khoa (71 Tăng Ni sinh khoá I, 77 Tăng Ni sinh khóa II).

    Bên cạnh đó đã tổ chức trao các quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Phật học niên khóa 2018 -  2021, 2021 - 2024 và khai giảng lớp Trung cấp Phật học khóa IV (gồm 66 Tăng Ni sinh), lớp Cao đẳng chuyên khoa khóa III (gồm 75 Tăng Ni sinh). Đồng thời, Ban Trị sự đã giới thiệu nhiều Tăng Ni đăng ký dự thi tuyển sinh Cử nhân Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay Phật giáo Cần Thơ có 02 Tiến sĩ Phật học, 02 Thạc sĩ, 02 vị nghiên cứu sinh Tiến sĩ , 04 vị bảo vệ Luận văn Thạc sĩ.

    Ngoài ra còn tổ chức các lớp học sơ cấp Pali - giáo lý, các lớp Khmer ngữ tại các điểm chùa, góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí và giữ gìn bản sắc văn hóa trong đồng bào Khmer… bên cạnh đó trên địa bàn thành phố Cần Thơ có Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đào tạo hàng trăm Tăng sinh các khóa cho đến nay.

    2.3. Hoạt động từ thiện xã hội:

   Theo tinh thần từ bi của nhà Phật, đồng thời phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, trong nhiệm kỳ qua các Tự viện đã tích cực thực hiện các công tác Từ thiện xã hội hàng năm như: phát quà, gạo cho bà con nghèo nhân dịp Tết nguyên đán, Đại lễ Vu lan Báo hiếu, trao tặng học bổng, tập sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp năm học mới, ủng hộ quỹ khuyến học khuyến tài, quỹ vì người nghèo, phát quà Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các chuyến đi phát quà, cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ...

   Đặc biệt, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thể theo tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, các cơ sở Tự viện tại 09 quận, huyện đã tích cực ủng hộ cho công tác phòng chống dịch bằng nhiều hình thức như suất cơm hàng ngày, gần 270 tấn gạo, 320 tấn rau củ, 9000 thùng mì, 3000 thùng sữa tươi, nhu yếu phẩm, vật tư y tế, quỹ vắc xin phòng, chống dịch... với kinh phí khoảng 09 tỷ đồng. Bên cạnh đó thời gian vừa qua Ban Trị sự GHPGVN thành phố Cần Thơ và chư tôn đức Tăng Ni các Tự viện đã hỗ trợ 15.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà với kinh phí ước tính trên 01 tỷ đồng.

    Theo số liệu thống kê công tác Từ thiện xã hội của Ban Trị sự GHPGVN thành phố Cần Thơ trong 05 năm qua, tổng kinh phí: 147.502.160.000 đồng.

     2.4. Hoạt động nghi lễ:

    Hoạt động của Ban Nghi lễ của GHPGVN thành phố Cần Thơ luôn thừa hành theo phương châm của Ban Nghi lễ Trung ương với mục đích chính là: “thống nhất và xây dựng các nghi thức thờ cúng, lễ bái, tụng niệm cho Tăng Ni, tín đồ Phật tử theo đúng chánh pháp và phù hợp với từng miền, từng Hệ phái”.

   Phật giáo Cần Thơ luôn duy trì các nghi lễ theo truyền thống Phật giáo như Đại lễ Phật đản, các buổi lễ cầu an, trai tăng, trai đàn chẩn tế... góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống trong văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt năm 2019 hòa cùng tinh thần cả nước hướng về Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc Vesak, Phật giáo thành phố Cần Thơ đã tổ chức diễu hành xe hoa kính mừng Phật đản trên các tuyến đường trung tâm thành phố với sự tham gia diễu hành của đông đảo Tăng Ni và Phật tử.

                                   Đại lễ Phật đản 2018

   Bên cạnh đó thể theo sự chỉ đạo từ Trung ương Giáo hội, trong năm 2021 Ban Trị sự đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN; Lễ Truy điệu đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ và Lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong vì COVID-19.

     2.5. Hoạt động hướng dẫn Phật tử

   Với mục đích hoạt động dựa trên tinh thần “Hướng dẫn hàng Phật tử tại gia tu học chánh pháp, hộ trì Tam bảo, xây dựng nếp sống đạo đức cho hàng Phật tử và góp phần xây dựng cuộc sống hòa bình, an lạc cho xã hội”, trong những năm qua Ban Hướng dẫn Phật tử đã thực hiện hướng dẫn các cơ sở Tự viện về việc đăng ký và xin phép với ngành chức năng về việc các đạo tràng tổ chức khóa tu niệm Phật, tu Bát Quan trai, tu một ngày an lạc, khóa tu mùa hè... đúng quy định của Giáo hội và Pháp luật của Nhà nước.

                              Lễ Khai mạc Hội trại tuổi trẻ Phật giáo năm 2019

    Đặc biệt năm 2017 và 2019 tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra 02 kỳ Hội trại tuổi trẻ Phật giáo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN Tp.Cần Thơ tổ chức: Hội trại tuổi trẻ Phật giáo “Nghĩa tình miền Tây (năm 2017 số lượng 1.200 trại sinh) và Tình đất phương Nam (năm 2019 số lượng 1.500 trại sinh); Khóa bồi dưỡng và khóa tu chuyên ngành hướng dẫn Phật tử khu vực Miền Đông và Tây Nam Bộ (1700 người tham dự).

    3. Tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:

    Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, thực hiên ý nghĩa phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Với tư cách là thành viên khối đại đoàn kết toàn dân, Tăng Ni Phật tử Phật giáo thành phố Cần Thơ luôn gắn liền với dân tộc tạo mối quan hệ tốt với xã hội qua phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

    Năm 2019, tại Đại hội Đại biểu MTTQVN thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2019 - 2024, Hoà thượng Đào Như được đề cử là Phó Chủ tịch (không chuyên trách) của Uỷ Ban MTTQVN thành phố Cần Thơ. Chư Tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN thành phố Cần Thơ tham gia Uỷ viên Uỷ Ban MTTQVN thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm: Hoà thượng Lý Sân, Thượng toạ Thích Bình Tâm, Thượng toạ Lý Hùng, Ni sư Thích nữ Như Hương. Trong không khí phấn khởi của ngày Đại hội, Hòa thượng Mai Xe và Ni sư Thích nữ Như Hương được bầu vào Đoàn Đại biểu chính thức tham dự Đại hội Đại biểu Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam.

   Năm 2021, Phật giáo thành phố Cần Thơ tham gia ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó Hòa thượng Đào Như - Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Cần Thơ trúng cử Đại biểu HĐND thành phố; 05 vị Tăng Ni trúng cử Đại biểu HĐND cấp quận, 09 vị trúng cử Đại biểu HĐND cấp xã, phường nhiệm kỳ 2021 - 2026.

    Trong những năm cuối nhiệm kỳ, Ban Trị sự đã hưởng ứng và tích cực thực hiện công tác vận động từ Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban MTTQVN thành phố hỗ trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tiếp sức cùng với lực lượng làm nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch bằng nhiều hình thức tịnh tài, tịnh vật qua đó thấy được sự đồng lòng, chung sức của Phật giáo thành phố Cần Thơ trong ngôi nhà đại đoàn kết toàn dân tộc.

     Đồng thời, trân trọng ghi nhận những đóng góp của quý Chư tôn đức Tăng Ni trong nhiệm kỳ qua, được nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQVN và nhiều vị khác được tặng Bằng khen, Giấy khen của các cấp lãnh đạo thành phố, UBND, Uỷ ban MTTQVN, Ban Dân vận thành ủy, Công an thành phố Cần Thơ...

    III. TÓM LẠI

    Nhiệm kỳ 2017 - 2022 với tinh thần phụng sự Đạo pháp và Dân tộc đồng thời được sự quan tâm, chỉ đạo từ Hội đồng Trị sự GHPGVN và sự tạo điều kiện của Cơ quan, Ban ngành Chính quyền, trong nhiệm qua tập thể Ban Trị sự GHPGVN thành phố Cần Thơ cùng Chư tôn đức Tăng Ni các Tự viện luôn thừa hành và hoạt động Phật sự với phương châm sống "Tốt đời, đẹp đạo". Mặc dù trong thời gian vừa qua từ khoảng cuối năm 2019 đến nay trong tình hình khó khăn chung của cả nước và toàn thế giới vì dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, có những thời gian cả thành phố phải thực hiện giãn cách toàn xã hội theo các chỉ thị 15/CT-TTg, 16/CT-TTg... vào những tháng cao điểm của đợt dịch COVID-19 do đó mọi hoạt động xã hội đều tạm dừng để thực hiện công tác phòng chống dịch nhưng khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tập thể Chư Tăng Ni, Phật tử các Tự viện đã chung tay thực hiện thành tựu nhiều công tác Phật sự được giao, tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, góp phần giải quyết khó khăn trong nhân dân, thể hiện tấm lòng từ bi của nhà Phật. Đồng thời nêu cao tình thần thượng tôn pháp luật, Tăng Ni và Phật tử có ý thức chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam./.

                                                                                            TUH

 

TIN ĐÃ ĐƯA