Chuyên đề Nghiên cứu - chính sách tôn giáo
Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo
Ngày 21/03/2017 17:00 đăng bởi ngocha
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo, chúng ta thấy Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mối quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc. Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc Người nêu bật mối quan hệ tôn giáo – dân tộc rất giản dị, dễ hiểu và khi giải quyết các vấn đề tôn giáo, Hồ Chí Minh luôn có thái độ khoan dung, độ lượng, đầy tính nhân văn. Những quan điểm của Người đối với tôn giáo thể hiện sự sáng tạo độc đáo của một nhân cách đạo đức cao cả, một phong cách nhân văn hoà hợp chỉ có ở Hồ Chí Minh.
Ngay sau Ngày Lễ Độc lập 2/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đã thay mặt Chính phủ long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào chủ trương của Chính phủ là “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Đây có thể xem là quan điểm, chủ trương đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Với quan điểm duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã thấy rõ mối tương đồng giữa tôn giáo và Chủ nghĩa xã hội, sự tương đồng giữa người có tôn giáo và người không có tôn giáo; Người phát hiện ra rằng mọi tôn giáo chân chính đều đưa ra một mô hình xã hội tốt đẹp, những tín đồ tôn giáo chân chính đều có lòng yêu nước, mong muốn nước nhà được độc lập, đồng bào được tự do, hạnh phúc. Vì vậy trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tư tưởng “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” đã tập hợp được đông đảo chức sắc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo, làm nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho cách mạng sớm đi đến thành công. Điều đó cho ta thấy sức lan toả sâu rộng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong chức sắc, nhà tu hành tôn giáo và đồng bào có đạo biết dường nào.
Đối với các tôn giáo, Hồ Chí Minh luôn có cách nhìn biện chứng, đối sách mềm dẻo; những giá trị văn hoá, đạo đức của các tôn giáo được Người khai thác, kết hợp với lý luận của Chủ nghĩa xã hội khoa học và tư tưởng cộng sản để đem lại lợi ích cho cách mạng. Theo Hồ Chí Minh: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao ? Họ đều muốn hạnh phúc cho loài người, cho xã hội. Nếu nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” (1).
Phong cách Hồ Chí Minh với tôn giáo còn thể hiện ở sự kết hợp hài hoà những điều tốt đẹp nhất của con người trần thế với những giá trị đạo đức của các tôn giáo. Chính lẽ đó mà một nhà báo phương Tây đã nhận xét hết sức tinh tuý về Hồ Chí Minh: “ Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lê nin và tình cảm của người chủ gia tộc; tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên” (2) .
Về công tác tôn giáo, theo Hồ Chí Minh công tác tôn giáo không chỉ góp phần giữ gìn sự ổn định chính trị, xã hội mà còn phải biết phát huy những yếu tố có ý nghĩa về văn hoá, đạo đức trong các tôn giáo, động viên được người có đạo tham gia các phong trào cách mạng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo được Đảng cộng sản Việt Nam kế thừa và phát triển bằng các quan điểm cụ thể (qua Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị) qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá IX (Nghị quyết 25-NQ/TW) “Về công tác tôn giáo”. Nghị quyết xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật…” (3)
Với vai trò là một thành tố của văn hoá, đạo đức tôn giáo được Hồ Chí Minh xem là di sản văn hoá của nhân loại. Lần đầu tiên Đảng ta thừa nhận trong tôn giáo có giá trị đạo đức và giá trị đó phù hợp với chế độ xã hội – xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang hướng đến. Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Hồ Chí Minh đã khái quát giá trị đạo đức tôn giáo đó là: “Chúa Giê su dạy: đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa”. Những tư tưởng, đạo đức tôn giáo mà Hồ Chí Minh khái quát đã góp phần xây dựng nên nền tảng đạo đức xã hội, hướng con người đến “chân, thiện, mỹ”.
Nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua công tác tôn giáo chúng ta học được ở Bác Hồ tinh thần khoan dung, đoàn kết các tôn giáo. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc với phương châm “lương giáo đoàn kết”, Hồ Chí Minh luôn quan tâm làm thế nào để đoàn kết, thu hút tất cả những người có tôn giáo tham gia vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Bác không xem tôn giáo là đối tượng nghiên cứu mà Người giải quyết các vấn đề tôn giáo và ứng xử với tôn giáo hết sức trân trọng, mềm dẻo, khéo léo hướng chức sắc tôn giáo và quần chúng tín đồ tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, một xã hội mà ở đó “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”; xã hội ấy tương đồng với giá trị “chân, thiện, mỹ” mà các tôn giáo luôn lấy làm mục tiêu giáo dục tín đồ hướng đến.
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo, các quan điểm của Đảng qua các kỳ đại hội và đặc biệt, sau khi Quốc hội khoá XIII thông qua Hiến pháp mới. Điều 24 Hiến pháp quy định:1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2.Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3.Không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật (4) . Mới đây, ngày 18/11/2016 Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tại điều 6 Chương II Luật quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Điều này cho thấy quan điểm, chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là hết sức nhất quán.
Trong điều kiện nước ta đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, việc nghiên cứu, vận dụng, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong việc thực hiện chính sách đối với các tôn giáo và công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo cần được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm qua đó phát huy được giá trị của văn hoá, đạo đức tôn giáo, tập hợp được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng quần chúng tín đồ tôn giáo vào các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo; đội ngũ những người làm công tác tôn giáo cần hết sức nghiêm túc vận dụng tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác tôn giáo hiện nay; đó là:
Một là; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; tôn trọng người sáng lập ra các tôn giáo, quan tâm sâu sắc đến đời sống đạo của tín đồ, tạo điều kiện để mọi người được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo. Theo Bác tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo tức là tôn trọng nhân dân, tôn trọng về nhu cầu văn hoá, tinh thần của xã hội.
Hai là, động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và xã hội, xây dựng thiên đàng ngay tại trần gian bằng chính công sức của bản thân, bởi theo Bác “phần xác có no ấm, phần hồn mới thong dong”.
Ba là; phát huy giá trị đạo đức tôn giáo trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội như Đảng ta đã khẳng định (trong Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị) “đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới ở nước ta”; bởi:
Chúa Giê su dạy: đạo đức là bác ái.
Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi.
Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa.
Bốn là, ứng xử linh hoạt với những người vi phạm chính sách tôn giáo, vi phạm pháp luật. Khi xử lý vấn đề cần gạn đục khơi trong, khoan dung độ lượng đối với người lầm lỗi, nhẹ dạ, cả tin. Phải giải thích rõ ràng, cụ thể về chính sách, pháp luật, phân biệt rõ chính, tà để người vi phạm hiểu rõ chính sách; kiên quyết, không khoan nhượng đối với bọn phản động, bất mãn chế độ, kẻ đội lốt tôn giáo kích động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc.
Vận dụng tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đòi hỏi bản thân những người làm công tác tôn giáo phải không ngừng rèn luyện tư tưởng, đạo đức, phong cách làm việc khoa học, sát thực tế, giải quyết các vấn đề tôn giáo phải bình tĩnh, linh hoạt, kiên quyết, kiên trì, có lý, có tình và thượng tôn pháp luật.
Thực hiện được những nội dung trên tức là chúng ta đã cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo, qua đó phát huy những giá trị đạo đức tôn giáo phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc; hướng phong trào thi đua yêu nước của quần chúng tín đồ vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, Người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch”./. Võ Ngọc Hà
Chú thích:
(1) Nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh. Viện Hồ Chí Minh xuất bản 1993. T2, tr.134.
(2) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. Nxb Sự thật. Hà Nội,1990, tr.27
(3) Tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, BCH TW Đảng, khoá IX.Nxb.CTQG-ST.Hà Nội.2003, tr.121,122
(4) Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam. Nxb CTQG - ST. Hà Nội. 2016, tr.21
- QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (29/11/2021)
- Nguồn lực của Phật giáo tham gia hoạt động an sinh xã hội ở thành phố Cần Thơ (29/08/2022)
- Bộ máy và lực lượng quản lý nhà nước về tôn giáo ở vùng Tây Nam bộ Việt Nam hiện nay (28/06/2017)
- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trên địa bàn thành phố Cần Thơ tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 (26/11/2021)
- Chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo tham gia thông tin tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo ở thành phố Cần Thơ (26/11/2021)
- Đảng Hoàng Thiên- Lợi dụng Tôn giáo gây mất trật tự tại thành phố Cần Thơ (26/11/2021)
- Đôi nét về Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ (26/11/2021)
- Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về tôn giáo ở Cần Thơ (26/09/2017)
- Tôn giáo ở Cần Thơ - Đồng hành và Phát triển cùng thành phố (25/11/2021)
- Các tổ chức tôn giáo cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid -19 (25/11/2021)
- Những giá trị tích cực của đạo Tin lành góp phần thúc đẩy công chức, viên chức, người lao động hăng say lao động sản xuất (25/11/2021)
- Đôi nét về những giá trị tích cực của tôn giáo đối với xã hội hiện nay (25/11/2021)
- Hoạt động từ thiện xã hội, chung tay phòng, chống dịch COVID-19 - Giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nhân văn của Phật giáo thành phố Cần Thơ (25/11/2021)
- Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. (25/11/2021)
- Tôn giáo ở Cần Thơ, 15 năm đồng hành - phát triển (24/12/2018)
- Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ nhìn từ góc độ quản lý nhà nước tại thành phố Cần Thơ (22/05/2018)
- Quan điểm của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII - Vấn đề tôn giáo trong đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh (18/11/2021)
- Xây dựng cơ sở thờ tự văn hoá, văn minh ở thành phố Cần Thơ (17/01/2018)
- Phật giáo thành phố Cần Thơ nhìn lại 5 năm - một chặng đường phát triển (16/03/2022)
- Công tác phối hợp tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan tôn giáo ở Cần Thơ năm 2015 (14/04/2016)
- Thực hiện bình đẳng tôn giáo, một số kết quả thực tiễn ở thành phố Cần Thơ (13/11/2018)
- Du lịch tâm linh - Thực trạng và những vấn đề đặt ra (13/01/2019)
- Tôn giáo và công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo trong quá trình hội nhập (nghiên cứu trường hợp thành phố Cần Thơ) (11/10/2016)
- Quá trình hình thành và hoạt động của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer - Thực trạng và giải pháp (11/06/2020)
- Thành phố Cần Thơ - Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển văn hóa, du lịch (11/02/2020)
- Tôn giáo ở thành phố Cần Thơ, trao yêu thương phát huy đạo đức tôn giáo trong đại dịch Covid - 19 (10/08/2021)
- Một số hoạt động an sinh xã hội của Công giáo ở TP. Cần Thơ (09/04/2019)
- Chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và một số kết quả triển khai, thực hiện tại thành phố Cần Thơ (08/12/2021)
- Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ XV – Nhìn lại quá trình hình thành và Phát triển của Hội đồng Giám mục Việt Nam qua các kỳ đại hội (06/10/2022)
- Những thành tựu về công tác nhân quyền trong tôn giáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ (06/03/2024)
- Phát huy và bảo tồn giá trị lễ hội truyền thống tại quận Bình Thủy (05/01/2019)
- 40 năm thực hiện Thư chung 1980 - Người Công giáo Việt Nam ở thành phố Cần Thơ trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước (04/08/2020)
- Đối thoại trong lĩnh vực tôn giáo ở thành phố Cần Thơ (03/01/2023)