Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Chuyên đề Nghiên cứu - chính sách tôn giáo

Chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo tham gia thông tin tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo ở thành phố Cần Thơ

Ngày 26/11/2021 10:46 đăng bởi lnny


Nói đến vai trò của tổ chức tôn giáo chính là vai trò của các thành viên trong tổ chức, là những chức sắc, chức việc có vị trí, vai trò quan trọng trong các hoạt động tôn giáo và tổ chức giáo hội, có ảnh hư­ởng lớn tới quần chúng tín đồ, ở một số tôn giáo, chức sắc còn có tính “Thánh thiêng”. Thực tế cho thấy, chức sắc, chức việc là người đứng đầu, có uy tín trong đồng bào có đạo, nên cả việc “đạo”, việc “đời” của họ đều ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm và hành động đối với đồng bào có đạo. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn đề cập đến vai trò của chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo tham gia thông tin tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo (truyền thông tôn giáo) ở thành phố Cần Thơ.

Thành phố Cần Thơ là trung tâm khu vực Tây Nam Bộ, các tổ chức tôn giáo thường chọn thành phố Cần Thơ làm nơi triển khai, tổ chức các hoạt động tôn giáo khu vực, nơi phát triển đào tạo chức sắc, chức việc tôn giáo mang tính chuyên nghiệp. Hiện tại, thành phố Cần Thơ có 13 tôn giáo với 27 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, 390 cơ sở thờ tự, có 62 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, cụ thể: 53 điểm Tin Lành (trong đó: có 01 điểm Tin Lành của người Hàn Quốc và 09 điểm nhóm đã cấp đăng ký nhưng tạm ngưng hoạt động), 04 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung Cơ Đốc Phục lâm, 02 điểm của Phật Giáo, 05 điểm của Công Giáo. Có 512 chức sắc, 1.918 chức việc, 509.875 tín đồ các tôn giáo, chiếm tỷ lệ 40% dân số của thành phố[1]. Ngoài ra, còn có các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo chuyên nghiệp như: Đại Chủng Viện Thánh Quý; Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; Trường Trung cấp Phật học và Lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học thành phố Cần Thơ.

Nhìn chung, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, CSCV và tín đồ của các tôn giáo đều chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và giáo lý, giáo luật của tôn giáo. Tổ chức bộ máy, nhân sự làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của thành phố Cần Thơ được kiện toàn, có nhiều tiến bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tôn giáo trong tình hình mới. Công tác phối hợp thực hiện giữa các ngành, các cấp giải quyết các nhu cầu của cá nhân, tổ chức tôn giáo kịp thời, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, tạo được niềm tin trong đồng bào tôn giáo với chính quyền địa phương. Cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ của các tôn giáo thường xuyên được cập nhật thông tin các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo áp dụng vào cuộc sống, điều chỉnh hành vi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp hơn trước, tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của vào công tác xã hội, công tác từ thiện, chung tay cùng lãnh đạo thành phố Cần Thơ giữ ổn định xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân thành phố.

Những nét tính cách đặc trưng mang tính truyền thống của con người Tây Nam Bộ, theo thời gian cũng tạo nên đặc điểm tâm lý của chức sắc tôn giáo ở Cần Thơ đó là cách tư duy, ứng xử khá thoáng nhưng không dễ dãi. Khi tiếp xúc với CSCV tôn giáo ở Cần Thơ chúng ta luôn nhận thấy sự gần gũi, giản dị, bộc trực và thẳng thắn. Khi đồng cảm thì rất chân thực, không che dấu, sẵn sàng bộc bạch suy nghĩ, tình cảm. Tư duy không phức tạp, suy nghĩ hay phát ngôn đều ngay thẳng, đơn giản, không văn vẻ rào đón, ít khách sáo, ít thấy trường hợp mỉa mai, ẩn ý, vòng vo, giữ kẽ như chức sắc Tôn giáo ở một số vùng miền khác.

Chức sắc của mỗi một tôn giáo lại có những đặc điểm riêng được quy định bởi giáo lý, giáo luật, hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đó, có thứ bậc, phẩm cấp, tên gọi khác nhau, sinh hoạt trong các hệ thống tổ chức chặt chẽ của giáo hội, nhiều ngư­­ời có trình độ văn hoá, có sự hiểu biết sâu sắc về giáo lý, luật lệ, lễ nghi tôn giáo. 

Chức sắc, chức việc của các tôn giáo ở Cần Thơ đa số gần gũi với chính quyền, hết lòng với công việc phát triển giáo hội, hi sinh thời gian, công sức, vật chất để lo việc đạo (ngoại trừ một số trường hợp cá biệt). Tuyệt đại đa số CSCV chung tay cùng nhau lo công việc để giáo hội được phát triển vững bền, có tinh thần dân tộc, đồng tình với lối sống “tốt đời, đẹp đạo”, hoạt động theo đường hướng hành đạo tiến bộ, mong muốn được hoạt động tôn giáo bình thư­ờng trong khuôn khổ luật pháp. Chức sắc, chức việc tôn giáo dù hoạt động theo nhiều khuynh hướng khác nhau nhưng đều có sự điều chỉnh hoạt động theo hư­ớng thích nghi, hợp tác với chính quyền.

Quan tâm tới những đặc điểm trên, công tác vận động CSCV tôn giáo, truyền thông tôn giáo ở cần Thơ được triển khai phù hợp với tâm lý từng đối tượng. Qua đó, CSCV đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo.

Quán triệt tinh thần cốt lõi của công tác tôn giáo là vận động quần chúng, trọng tâm của vận động quần chúng tôn giáo là truyền thông làm cho quần chúng tôn giáo hiểu đúng, ủng hộ và thực hành đúng quan điểm, chủ trương chính sách pháp luật, về tôn giáo và công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nắm bắt được thông tin liên quan tín ngưỡng, tôn giáo trong và ngoài nước, hiểu thêm về các tôn giáo khác nhau, đặc biệt là ở một quốc gia đa tôn giáo như Việt Nam. Truyền thông tôn giáo tốt còn làm cho chức sắc, chức việc, quần chúng tín đồ nâng cao tinh thần yêu nước, góp phần phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo gây mất ổn định trật tự xã hội. Trọng điểm tập trung truyền thông tôn giáo là chức sắc, chức việc thuộc các tổ chức tôn giáo.

Truyền thông tôn giáo đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong xu thế toàn cầu hóa và đa dạng hóa tôn giáo hiện nay, truyền thông tôn giáo là thông tin đa chức năng, đa chiều, đa phương thức, đa phương tiện, đặc biệt là các phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhất.

Thực trạng ở Cần Thơ, ngoài các phương thức truyền thông của trung ương và các tỉnh thành thực hiện, công tác truyền thông tôn giáo được hệ thống chính trị ở Cần thơ thực hiện khá đồng bộ từ khâu lãnh chỉ đạo đến tổ chức thực hiện, được chức sắc, chức việc ủng hộ và hưởng ứng, đơn cử:

Tính riêng trong một năm 2021, Đài Truyền hình thành phố Cần Thơ đã có 13 chuyên đề và nhiều bản tin liên quan tín ngưỡng, tôn giáo được đăng tải trên kênh chuyên đề khoa giáo THTPCT và trên web: canthotv.vn; Nhiều bài viết đăng tải thường xuyên (mỗi năm khoảng 70 đến 100 bài) trên Báo Cần Thơ và Báo Cần Thơ online, trên cổng thông tin của Ban tôn giáo Cần Thơ https://wwwbantongiao.cantho.gov.vn.

 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành chức năng tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, chính sách về công tác tôn giáo bằng nhiều hình thức như: Hội thảo chuyên đề “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ với công tác tôn giáo trong tình hình mới”, “Linh mục Nguyễn Văn Chính, gương sáng tốt đời đẹp đạo”; Hội nghị thường kỳ, giao ban, họp xóm, họp nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ; các buổi thăm, chúc mừng của cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các cấp nhân dịp các ngày lễ, tết; các hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh về công tác tôn giáo, về nâng cao nhận thức cộng đồng trong tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho CSCV các tôn giáo. Qua đó, đã tạo được sự đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện của các vị CSCV và tín đồ các tôn giáo. Kết quả đã tổ chức triển khai tuyên truyền hơn 5.789 cuộc, thu hút 533.110 lượt người tham gia học tập[2].

Ban Tôn giáo Cần Thơ, mỗi năm tổ chức 3 hội nghị thông tin và phổ biến chính sách pháp luật cho cho khoảng 500 lượt CSCV tôn giáo, tín ngưỡng, 01 hội nghị cho khoảng 50 người đứng đầu điểm nhóm Tin Lành; ngoài ra, còn được các tổ chức tôn giáo, các vị CSCV hỗ trợ triển khai lồng ghép vào các buổi họp với các tôn giáo, các khoá An cư Kiết hạ, tĩnh tâm, bồi linh, lớp giáo lý hạnh đường, giáo lý căn bản Phật giáo Hoà Hảo[3]. Đã phát trên 10.000 tờ rơi các loại. Ban Tôn giáo chủ công bố trí các cuộc làm việc định kỳ hàng quý, năm với các tổ chức tôn giáo để kịp thời nắm bắt tình hình để tham mưu định hướng tuyên truyền. Định kỳ tổ chức Hội nghị đánh giá mức độ hài lòng về cải cách hành chính của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo (riêng năm 2020, 2021 do dịch nên không tổ chức).

Kết quả, qua các hình thức truyền thông, lực lượng CSCV ở Cần Thơ tham gia khá chủ động, tích cực, đầy đủ và có chất lượng. Cũng qua sự hưởng ứng, hỗ trợ tích cực của các tổ chức, các vị CSCV, công tác truyền thông tôn giáo, phổ biến chính sách pháp luật, kiến thức quốc phòng - an ninh, tuyên truyền về lịch sử vùng đất Nam Bộ, v.v, được duy trì thường xuyên hàng năm đến các tăng sinh Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trường Trung cấp, Cao đẳng Phật học, các chủng sinh Đại Chủng viện Thánh Quý. Định kỳ hàng năm, các lớp giáo dục kiến thức quốc phòng, tết quân dân được tổ chức hoành tráng, chu đáo, thiết thực tại các địa bàn đông đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Hoạt động tôn giáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ ngày một phát triển về qui mô và phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, xu hướng tuân thủ luật pháp của CSCV và tín đồ các tôn giáo ngày càng trở thành xu thế chủ đạo, hoạt động tôn giáo thuần túy, đúng theo các quy định của nhà nước và đúng theo đường hướng hành đạo của từng tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, vì cộng đồng, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực thể hiện rõ phương châm “lợi đạo - ích đời” góp phần vào quá trình phát triển chung của thành phố.

Chức sắc, chức việc vận động và cùng tín đồ các tôn giáo nhân rộng 31 mô hình điểm, tham gia tích cực vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều mô hình hay và hiệu quả như: mô hình “Đảm bảo an ninh trật tự trong tôn giáo”; “Tuyến đường an toàn về an ninh trật tự”; “Cổng rào an ninh trật tự” nhiều mô hình xóm đạo, xứ đạo, khu vực 3 không, 5 không, 9 không; tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu; tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; hưởng ứng phát động của Ban Tôn giáo - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch về tham gia phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, đã có 199 cơ sở thờ tự thực hiện các mô hình bước đầu đã có hiệu quả thiết thực, đạt hiệu quả cao qua những lần sơ, tổng kết. Gần đây nhất, sau khi có văn bản của UBND TP Cần Thơ, của Ban Tôn giáo Cần Thơ đề nghị các tổ chức tôn giáo hưởng ứng và chấp hành phòng chống dịch COVID-19, CSCV đã kịp thời thông tin đến tín đồ, 100% cơ sở thờ tự treo bảng ngưng hoạt động và thực hiện nghiêm qui định phòng chống dịch, hiệu quả là tỉ lệ lây nhiễm trong tín đồ không đáng kể so với tỉ lệ lây nhiễm của thành phố[4].

Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và phát huy, trong đó có những lĩnh vực thế mạnh của các tôn giáo, CSCV các tôn giáo tích cực vận động tín đồ tham gia vào các hoạt động xã hội như tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chuyển bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, tham gia vào công tác giáo dục (mở trường mầm non, mẫu giáo, hoạt động khuyến học), xây dựng cầu đường, nhà tình thương, tặng quà, phát gạo cho người nghèo nhân lễ, tết, nấu cháo, nước sôi phục vụ bệnh nhân trong các bệnh viện, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi người tàn tật, lập trại hòm từ thiện,vv, góp phần cùng nhà nước thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mỗi năm, qua thống lê chưa đầy đủ, các tôn giáo đã thực hiện trên 80 tỉ đồng cho các hoạt động từ thiện.

Cũng như các tỉnh, thành khác, tôn giáo ở Cần Thơ cũng tồn đọng và phát sinh khá nhiều vụ việc phức tạp. Theo kết quả thanh tra pháp luật của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2015, trong số nhiều vụ việc tồn đọng thì có đến 07 vụ phức tạp tồn đọng trên 20 năm. Đến năm 2020, 100% các vụ việc tồn đọng được giải quyết dứt điểm, tất cả vụ việc phát sinh được kịp thời sử lý ngay ban đầu. Một nguyên nhân mấu chốt để giải quyết tốt là vai trò của các vị CSCV hỗ trợ chính quyền thông tin, tuyên truyền, vận động, tạo được sự đồng cảm, đối thoại chân tình, cởi mở giữa các tổ chức tôn giáo với chính quyền.

Tình hình tôn giáo ở Cần Thơ thời gian qua là khá ổn định. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều vấn đề cần lưu ý. Điển hình như những thông tin tiêu cực, mang màu sắc mê tín dị đoan, trái với tín ngưỡng truyền thống; thông tin về các tổ chức, cá nhân tôn giáo có những hoạt đông gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật và giáo luật, ly khai, chống đối trong và ngoài nước đều được các đối tượng nhanh chóng lan tỏa đến CS, CV ở Cần Thơ, tìm mọi cách kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, chia sẻ, hiệp thông.

Chức sắc, chức việc trong các tổ chức tôn giáo ở Cần Thơ đã thể hiện vai trò quan trọng trong kết nối, vận động tín đồ chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hoạt động tôn giáo đúng theo hiến pháp, pháp luật và tinh thần “tốt đời đẹp đạo” và sống phúc âm trong lòng dân tộc, không ngừng nêu cao cảnh giác trước âm mưu, luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, Các thông tin tiêu cực lan tỏa về Cần Thơ đều được các CSCVtôn giáo hỗ trợ phát hiện, ngăn chặn hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh trật tự.

Phương hướng, mục tiêu cụ thể phát triển thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015-2020 đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ XIII: Mục tiêu phát triển đến năm 2020 là xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, mang đặc trưng sông nước, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020; là trung tâm kinh tế - xã hội, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, thể thao của vùng Tây Nam Bộ; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng và của cả nước; đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng Tây Nam Bộ.

Ổn định tình hình tôn giáo để tập trung thực hiện phương hướng, mục tiêu phát triển thành phố là yêu cầu cần thiết đặt ra hiện nay và những năm tiếp theo. Truyền thông tôn giáo vẫn đóng vai trò quyết định trong công tác tôn giáo. Những năm qua, vai trò CSCV các tôn giáo ở Cần Thơ trong công tác thông tin, tuyên truyền về tôn giáo được thực hiện khá cơ bản. Để tiếp tục phát huy kết quả này trong những năm tiếp theo cần tiếp tục quan tâm công tác truyền thông theo yêu cầu thực tế đặt ra. Tăng cường công tác vận động cách mạng đối với bộ phận quần chúng theo tôn giáo, đặc biệt là đội ngũ CSCV, người có uy tín trong tôn giáo, làm cho bộ phận quần chúng ấy tán thành và tích cực tự giác chấp hành pháp luật và góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đổi mới. Tiếp tục làm tốt công tác vận động CSCV các tôn giáo nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong đời sống xã hội, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là vai trò, trách nhiệm trong việc truyền thông, hướng dẫn các đồng bào các tôn giáo thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Phối hợp đấu tranh kịp thời với các hành vi, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tiêu cực, phản văn hóa, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để có các hành vi, hoạt động mê tín dị đoan, khôi phục hủ tục lạc hậu; đồng thời đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.


Lê Hùng Yên

[1] Số liệu của ban tôn giáo Cần Thơ 2021

[2] Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 02/KL-ĐCT ngày 29/12/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thứchoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo, Tr. 3.

[3] Báo cáo hàng năm của Ban Tôn giáo Cần Thơ

[4] - Tỷ lệ (%) ca F0 so với so với tổng số tín đồ các tôn giáo là 0,0059%; so với tổng ca nhiểm F0 của thành phố là 0,212%

- Tỷ lệ (%) ca F1 so với tổng số tín đồ các tôn giáo là 0,0076%; so với tổng ca nhiểm F1 của thành phố là 0,160%

- Tỷ lệ (%) ca tử vong so với tổng số tín đồ các tôn giáo là 0,0002%; so với tổng ca tử vong của thành phố là 2,857%

 - Tỉ lệ tín đồ tôn giáo so với tổng số dân là 40%