Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Chuyên đề Nghiên cứu - chính sách tôn giáo

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Ngày 29/11/2021 15:52 đăng bởi thanhtruc

     Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, đa dân tộc. Tín đồ tôn giáo ở Việt Nam luôn được nuôi dưỡng bởi ngàn năm văn hiến của dân tộc. Bởi vậy, họ không chỉ có đức tin với tôn giáo của mình mà còn đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
     Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự. 16 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’i, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương[1]. Riêng tại thành phố Cần Thơ, hiện có 27 tổ chức thuộc 13 tôn giáo (07 tôn giáo ngoại sinh và 06 tôn giáo nội sinh) với 387 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, 504 chức sắc, 1.452 chức việc, 512.680 tín đồ, chiếm tỷ lệ hơn 40% dân số[2]
     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng những giá trị văn hóa tinh thần quý báu của nhân loại. Bằng sự nhạy bén, trí thức cách mạng và vốn hiểu biết về văn hóa sâu sắc, Người đã không dưới một lần ca ngợi những người sáng lập ra các tôn giáo một cách thành kính. Tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ của Người đối với các giá trị văn hóa, nhân văn đối với tôn giáo hoàn toàn khác với đức tin của tín đồ các tôn giáo ấy. Tất cả xuất phát từ tấm lòng nhân đạo có sẵn trong con người Hồ Chí Minh. Người đã vận dụng khéo léo chủ nghĩa duy vật của Mác, kế thừa giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc của các tôn giáo để vận dụng vào thực tế xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
     Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn có quan điểm đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo, về vai trò của tôn giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn khẳng định “…tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo; động viên chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc”[3]. Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác tôn giáo “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[4].
     Liên tục qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn đề ra nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật cụ thể và đặc thù để phát huy sức mạnh của các tôn giáo. Phải kể đến là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo;  Chỉ thị số 18- CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết 24/NQ-TW ngày 14/8/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết 120/2010/QH14 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc dân tộc thiểu số lần thứ II; những quan điểm mới của Đại hội XIII của Đảng về dân tộc, tôn giáo...Nổi bật là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18 tháng 11 năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018) đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc xem tôn giáo là một hoạt động cần thiết của xã hội.

Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tổ chức Hội nghị cập nhật kiến thức về công tác quản lý
 nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức chủ chốt sau khi
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực

     Trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta nêu rõ: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan”[5]. Đối với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện về công tác tôn gỉáo, Đảng ta khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, giáo luật, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[6]
     Có thể nói, Đảng ta có nhiều nội dung bổ sung, cập nhật, kế thừa, tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà lãnh đạo, quản lý, quản trị về tôn giáo, các nhà khoa học và tín đồ, chức sắc, chức việc của các tôn giáo. Đảng ta đã xác định vai trò của yếu tố văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đánh giá cao sức mạnh của nguồn lực tôn giáo khi số lượng tôn giáo, các tổ chức được công nhân, cấp đăng ký hoạt động, số lượng chức sắc, chức việc và tín đồ của các tôn giáo ngày càng tăng về số lượng, chất lượng lẫn quy mô. Nguồn lực tôn giáo không chỉ còn bó buộc hạn hẹp trong phạm vi con người mà nó còn bao hàm cả cơ sở vật chất, tài chính, trình độ và kể các giá trị văn hóa, đạo đức. Bên cạnh đó, Đảng ta còn đánh giá cao vai trò của việc đoàn kết tôn giáo trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết là truyền thống từ xa xưa. Thời chiến, ông cha ta đã đoàn kết giải phóng dân tộc. Thời bình, lớp con cháu phải tiếp tục phát huy đoàn kết để gìn giữ và xây dựng đất nước phát triển. Việc nhìn nhận vai trò của nguồn lực tôn giáo được xem là một bước tiến để củng cố hơn nữa sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tránh kẽ hở cho những lực lượng xấu bên trong lẫn bên ngoài có cơ hội chia rẽ. Chủ trương nhất quán của Đảng là luôn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho tất cả mọi người. Chính vì lẽ đó, việc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vai trò của tôn giáo trong công cuộc xây dựng đất nước. Trong đó, thể hiện sự tôn trọng, quan tâm, tạo điều kiện về mặt pháp lý lẫn thực tế đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người bao gồm cả người đang sinh sống ở trong nước, người nước ngoài có tôn giáo khi họ sinh sống, học tập, làm việc ở Việt Nam cũng như Kiều bào khi về quê hương.
     Như vậy, vai trò của tôn giáo trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng được củng cố và nâng lên vị trí cao hơn. Sức mạnh của tôn giáo không chỉ ở việc giáo dục đạo đức con người mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc ta, bao gồm cả tôn giáo nội sinh lẫn tôn giáo ngoại sinh. Đảng ta luôn ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các tổ chức tôn giáo trong việc thể hiện sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc cách mạng, gìn giữ và xây dựng đất nước. Đó là những tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của ông cha ta để lại. Đặc biệt, thông qua các hoạt động tôn giáo sẽ giới thiệu, quảng bá hình ảnh tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè năm châu. Tôn giáo sẽ là một trong những sợi dây kết nối, gắn kết dân tộc để nước ta ngày càng thắng lợi trên tất cả các phương diện./.
Thanh Trúc

[1]Danh mục các tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12/2020 (Kèm theo Công văn số 6955/BNV-TGCP ngày 28/12/2020 của Bộ Nội vụ).
[2] Nguồn Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ.
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2011.
[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021.
 [5]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốclần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
[6]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

TIN ĐÃ ĐƯA