Chuyên đề Nghiên cứu - chính sách tôn giáo
Quá trình hình thành và hoạt động của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer - Thực trạng và giải pháp
Ngày 11/06/2020 16:20 đăng bởi uthau
I. Khái quát về quá trình hình thành và hoạt động của Học viện
Xác định vấn đề tôn giáo, dân tộc luôn là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Trong cộng đồng dân tộc Khmer, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer có vai trò và vị trí rất quan trọng. Với ý nghĩa và tầm quan trọng nêu trên, trong quá trình thực hiện chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước, cần quan tâm đến lực lượng sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, đặc biệt là hỗ trợ và tạo điều kiện cho mở trường đào tạo chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer.
Cụ thể vào năm 2006, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ cho phép thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và được chấp thuận tại nội dung Công văn số 4286/VPCP-NC ngày 08/8/2006 của Văn phòng Chính phủ và Quyết định số 171/QĐ-TGCP ngày 14/9/2006 của Ban Tôn giáo Chính phủ.
1. Cơ sở vật chất:
Ủy ban nhân dân thành phố đã quy hoạch diện tích khu đất xây dựng Học viện: 10 ha (thực hiện giai đoạn 1 là 6,7ha), tại khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Trong những năm đầu thành lập, Học viện mượn tạm Chùa Pothisomron, khu vực 4, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn để làm nơi dạy học và lưu trú cho tăng sinh. Xuất phát từ những khó khăn đó, đầu năm 2017, được sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ban ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và các sở ban ngành thành phố Cần Thơ, đặc biệt là sự nhiệt tình của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị vận động xã hội hóa hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. Cùng thời gian này, lễ đặt đá và khởi công xây dựng Học viện cũng được thực hiện một cách trang nghiêm và long trọng. Với phương án xây dựng các hạng mục công trình của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 công trình Khu Hiệu bộ và đưa vào sử dụng. Hiện nay, Học viện đang tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 (công trình Chánh điện).
Lễ khởi công xây dựng Chánh điện Học viện ngày 20/5/2020
2. Cơ cấu tổ chức và đội ngũ giảng viên:
Cơ cấu tổ chức: Nhân sự Hội đồng điều hành Học viện được Hội đồng Trị sự GHPGVN chuẩn y vào năm 2006, gồm 09 thành viên (theo Quyết định số 473/QĐ/HĐTS ngày 19/9/2006 của Hội đồng Trị sự GHPGVN): HT. Danh Nhưỡng được cử làm Viện trưởng, HT. Đào Như, HT. Danh Vĩnh, HT. Thạch Sok Xane, HT. Thạch Huôn làm Phó Viện trưởng, TT. Danh Lung làm Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng, TT. Lý Hùng làm Phó Văn phòng, TT. Danh Thiệp, TT. Sơn Ngọc Huynh làm ủy viên, trong thời gian này có vài vị do tuổi cao sức yếu và đã viên tịch.
Đến năm 2018, thành phần nhân sự Hội đồng điều hành Học viện được điều chỉnh, bổ sung gồm 11 thành viên (theo Quyết định số 513/QĐ-HĐTS ngày 21/12/2018 của Hội đồng Trị sự GHPGVN): Hòa thượng Đào Như được cử làm Viện trưởng; HT. Danh Lung – Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký; TT. Lý Hùng – Phó Viện trưởng kiêm Chánh Văn phòng; các vị HT. Thạch Sok Xane, HT. Thạch Huôn, HT. Danh Đổng, HT. Danh Thiệp làm Phó Viện trưởng; TT. Sơn Ngọc Huynh - Phó Tổng Thư ký kiêm Phó Văn phòng; TT. Trần Sone, TT. Trần Văn Tha làm Phó Văn Phòng; Đại đức Thạch Điệp – Thủ quỹ.
Đội ngũ giảng viên: lực lượng giảng viên của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay đa phần là thỉnh giảng, thiếu lực lượng giảng viên cơ hữu. Trình độ chuyên môn của một số giảng viên chưa đáp ứng với tiêu chuẩn đặt ra đối với Học viện.
3. Chương trình đào tạo:
Phật học: 1/ Lịch sử Phật giáo; 2/ Dịch thuật Thanh tịnh đạo tập Giới phẩm và Tuệ phẩm; 3/ Từ vựng Pali; 4/ Cách liên từ Pali; 5/ Văn học Khmer; 5/ Tâm lý học; 6/ Văn minh Khmer; 7/ Xã hội học; 8/ Sansakrit (Bắc phạn); 9/ English Phật giáo; 10/ Tin học; 11/ Logic học; 12/ Triết lý đạo đức; 13/ Văn hóa xã hội; 14/ Văn học Khmer; 15/ Văn học Pali; 16/ Tiếng Thái; 17/ Tôn giáo so sánh; 18/ Triết lý Ấn Độ; 19/ Phương pháp nghiên cứu; 20/ Hành thiền.
Thế học: Học viện hợp đồng với Trường Đại học Cần Thơ cử giảng viên đến giảng dạy cho Tăng sinh gồm các môn: 1/ Nguyên lý cơ bản Chủ nghĩa Mác – Lê nin; 2/ Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; 3/ Tư tưởng Hồ Chí Minh; 4/ Lịch sử Việt Nam đại cương; 5/ Pháp luật đại cương. 6/ Những hiểu biết về Chủ nghĩa Xã hội khoa học; 7/ Giáo dục an ninh, quốc phòng; 8/ Văn hóa xã hội. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo, Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc, UBMTTQ thành phố giảng dạy các môn: Chính sách tôn giáo; Chính sách dân tộc; Chính sách Đại đoàn kết dân tộc; Báo cáo thời sự tình hình trong nước và trên thế giới.
4. Kết quả đào tạo:
Học viện Phật giáo Nam tông Khmer từ khi thành lập đến nay đã tổ chức chiêu sinh và khai giảng được 06 khóa, với tổng số 155 tăng sinh theo học, cụ thể:
- Khóa I (2007-2011), có 68 tăng sinh, tốt nghiệp 60.
- Khóa II (2011-2015), có 29 tăng sinh, tốt nghiệp 29.
- Khóa III (2013-2017), có 11 tăng sinh, tốt nghiệp 11.
- Khóa IV (2015-2019), có 19 tăng sinh, tốt nghiệp 19.
- Khóa V (2017-2021), có 14 tăng sinh đang học.
- Khóa VI (2019-2023), có 14 tăng sinh đang học.
Học viện đào tạo chỉ là trình độ cử nhân Phật học, còn thiếu trình độ về thế học, do đó nhằm giúp cho tăng sinh Phật giáo Nam tông Khmer có thêm trình độ về thế học thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân. Năm 2016, Hội đồng điều hành Học viện đề nghị được phối hợp liên kết với Trường Đại học KH - XH và NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội mở lớp đào tạo Đại học ngành Tôn giáo học hệ vừa học vừa làm cho Tăng sinh Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.
Đào tạo lực lượng kế thừa: Đội ngũ tăng tài trong Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay ngày một hạn chế về số lượng và chất lượng, do đó cần có lực lượng sư sãi được đào tạo bài bản và mang tính kế thừa. Để đáp ứng yêu cầu thực tế, vai trò của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer trong việc đào tạo tăng tài là rất quan trọng. Lực lượng tăng sinh sau khi tốt nghiệp tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là nguồn lực kế thừa cho Phật giáo Nam tông Khmer, đáp ứng cho nguồn giảng viên dạy tại các điểm chùa hiện nay.
Không cần đi du học nước ngoài: Từ khi Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được hình thành tại Cần Thơ, lực lượng sư sãi có thể tham gia đào tạo trong nước, thu hút được nhiều tăng sinh tham gia học, không cần phải đi du học ở nước ngoài, tiết kiệm được nhiều chi phí, thậm chí có thể thu hút đội ngũ Giảng viên là tăng tài. Theo báo cáo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2018, hiện có trên 100 Sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer đang du học ở nước ngoài tại các nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Srilanka, Ấn Độ…
Góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Trước hết, hiểu biết về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; sự hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, các hoạt động tôn giáo trong chùa nên bản thân các vị Sư sãi ấy sẽ biết cách tổ chức các lễ nghi, các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời giáo dục và hướng con em người Khmer biết trân trọng giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt là những giá trị do ngôi chùa mang lại; được rèn luyện về tinh thần từ bi, bát ái, vị tha và hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Phát huy tinh thần đoàn kết trong đồng bào, giáo dục truyền thống tu học cho thanh thiếu niên dân tộc Khmer và góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
II. Thực trạng
1. Về tổ chức bộ máy và kinh phí hoạt động: Hội đồng điều hành Học viện mỗi vị ở mỗi tỉnh khác nhau, đa số là kiêm nhiệm, một vài thành viên chưa được đào tạo bài bản, học hàm học vị của mỗi thành viên cũng chưa được chuẩn hóa, nội bộ có dấu hiệu chưa thật sự đoàn kết; Học viện chưa có các bộ phận nghiệp vụ như giáo vụ, giám thị và các Khoa chuyên môn; Quy chế hoạt động của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer mặc dù đã lấy ý kiến đóng góp nhiều lần nhưng vẫn chưa thống nhất quan điểm, hiện nay Quy chế vẫn chưa được thông qua để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, dẫn đến công tác điều hành của Học viện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn kinh phí hoạt động của Học viện đang gặp khó khăn và chưa có nguồn cung cấp ổn định. Kinh phí xây dựng Học viện chủ yếu từ nguồn vận động xã hội hóa.
2. Nguồn tăng sinh: Phật giáo Nam tông Khmer phần đông xuất thân từ thanh thiếu niên người dân tộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đa số thuộc gia đình nông dân nghèo, thiếu điều kiện học hành, việc dạy chữ Khmer mỗi nơi mỗi khác, chương trình, nội dung và thời gian đào tạo chưa thống nhất, từ đó trình độ Pali giáo lý đầu vào của tăng sinh nhìn chung còn thấp và không đồng bộ. Từ khi thành lập đến nay, tuy đã khai giảng được 06 khóa nhưng số lượng tăng sinh tham gia học ngày càng giảm. Do một số thanh thiếu niên Khmer hiện nay không muốn đi tu và cũng không ít sư sãi cũng không chịu đi học mà đã hoàn tục, chấp nhận đi làm thuê, làm công nhân để có thu nhập phụ giúp gia đình. Như vậy, nếu thanh thiếu niên Khmer chỉ lo đi làm để giúp đỡ kinh tế gia đình thì lấy đâu có người đi tu, thì lấy đâu ra nguồn tăng sinh cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.
3. Lực lượng giảng viên: phần đông là thịnh giảng, lực lượng cơ hữu rất ít, bố trí lịch giảng thường bị động; trình độ chuyên môn chưa đáp ứng với tiêu chuẩn chung của Học viện; một vài giảng viên chưa được đào tạo một cách bài bản; việc chi trả thù lao cho giảng viên cũng chưa xứng tầm đối với học hàm của từng giảng viên; chưa có cơ chế chính sách thu hút lực lượng giảng viên có trình độ chuyên môn cao.
4. Văn bằng: Có quan điểm cho rằng Học viện này là trường đào tạo tôn giáo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, dạy và học chủ yếu là chương trình Phật học nên tổ chức tôn giáo chịu trách nhiệm. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, các học viên được cấp văn bằng tốt nghiệp, văn bằng của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer chỉ có giá trị sử dụng trong nội bộ giáo hội, được công nhận về trình độ cử nhân Phật học. Tuy nhiên, khi ra xã hội xin việc làm hoặc tiếp tục đi học tại các trường Đại học quốc dân thì chưa đủ tiêu chuẩn.
III. Giải pháp
1. Tạo nguồn tăng sinh cho Học viện:
Đối với cá nhân của mỗi sư sãi cần nhận thức rõ hơn về văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình để giữ gìn và phát huy. Nhân các buổi thuyết pháp, cũng nên lòng ghép tuyên truyền, vận động con em dân tộc Khmer vào chùa tu học để có nguồn lực cho Học viện.
Đối với gia đình Phật tử Khmer, giáo dục con em mình về giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp dân tộc là con trai lớn lên thì phải vào chùa tu học để trả công ơn của cha mẹ.
Đối với các vị sư sãi trụ trì các chùa cần thay đổi nhận thức, phải có trách nhiệm quan tâm, trước hết là chữ viết Khmer, để củng cố và nâng cao các kỹ năng tiếng Khmer, tổ chức cho học sinh người Khmer học thêm tiếng Khmer trong 3 tháng hè hoặc học ban đêm trong các chùa. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và khuyến khích các vị sư sãi tích cực tham gia học tại Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp ở tỉnh Sóc Trăng hoặc ở Trà Vinh. Sau khi tốt nghiệp trung cấp Pali là nguồn lực cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.
2. Về tổ chức bộ máy và kinh phí hoạt động:
Hội đồng điều hành học viện khẩn trương chỉnh sửa dự thảo Quy chế hoạt động để trình cơ quan chức năng phê duyệt; chủ động liên hệ với Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để hướng dẫn thủ tục thành lập bộ máy nghiệp vụ và các khoa bộ môn; phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, chung tay xây dựng Học viện để hoạt động có hiệu quả; tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động đến sư sãi và đồng bào phật tử Khmer hiểu rõ về tầm quan trọng của Học viện và sự cần thiết khi sư sãi đến học tại Học viện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích gia đình và con em của họ tham gia học.
Tiếp tục vận động xã hội hóa nguồn kinh phí để xây dựng các hạng mục còn lại; tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các nhà mạnh thường quân để tìm nguồn kinh phí hoạt động cho Học viện.
3. Đội ngũ giảng viên: cần quan tâm tuyển chọn và đào tạo lực lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu về lâu dài. Nên có cơ chế chính sách thu hút lực lượng giảng viên có trình độ chuyên môn cao.
4. Giá trị văn bằng: Tuy Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là trường đào tạo của tôn giáo, nhưng nếu xét về yếu tố khách quan trong việc tu học của Phật giáo Nam tông Khmer phải tính đến việc hoàn tục trở về với đời thường tìm việc làm để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình, vấn đề bằng cấp là rất quan trọng đối với các vị. Do đó, để nâng tầm giá trị văn bằng của Học viện, trước hết là chương trình đào tạo phải bài bản, chất lượng; Nhà nước (Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục & Đào tạo tham mưu Chính phủ) có cơ chế chính sách thu hút lực lượng này vào làm việc tại các cơ quan ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; tiếp tục phối hợp liên kết với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội chiêu sinh và khai giảng khóa mới (lớp Cử nhân và lớp Cao học ngành Tôn giáo học).
* Kết luận
Việc thành lập và đưa Học viện đi vào hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng: lần đầu tiên một trường đào tạo cử nhân Phật học cho hệ phái Nam tông Khmer được thành lập tại Việt Nam. Là tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần phục vụ đất nước; và hơn hết là đáp ứng nguyện vọng thiết tha của sư sãi và đồng bào Khmer vùng Nam bộ; đồng thời góp phần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer.
Việc cần thiết hiện nay là các vị trụ trì, chư tăng và gia đình phật tử Khmer tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước, yêu văn hóa dân tộc; nâng cao nhận thức trong tầng lớp thanh thiếu niên Khmer về việc gìn giữ, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, đặc biệt là vấn đề tu học của sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer góp phần tạo nguồn tăng sinh cho Học viện.
Ngoài sự cố gắng của Hội đồng điều hành học viện và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì việc hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương là hết sức cần thiết để Học viện Phật giáo Nam tông Khmer có thể duy trì và phát triển đáp ứng yêu cầu từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là Phật giáo Nam tông Khmer./.
TUH
- QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (29/11/2021)
- Nguồn lực của Phật giáo tham gia hoạt động an sinh xã hội ở thành phố Cần Thơ (29/08/2022)
- Bộ máy và lực lượng quản lý nhà nước về tôn giáo ở vùng Tây Nam bộ Việt Nam hiện nay (28/06/2017)
- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trên địa bàn thành phố Cần Thơ tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 (26/11/2021)
- Chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo tham gia thông tin tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo ở thành phố Cần Thơ (26/11/2021)
- Đảng Hoàng Thiên- Lợi dụng Tôn giáo gây mất trật tự tại thành phố Cần Thơ (26/11/2021)
- Đôi nét về Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ (26/11/2021)
- Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về tôn giáo ở Cần Thơ (26/09/2017)
- Tôn giáo ở Cần Thơ - Đồng hành và Phát triển cùng thành phố (25/11/2021)
- Các tổ chức tôn giáo cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid -19 (25/11/2021)
- Những giá trị tích cực của đạo Tin lành góp phần thúc đẩy công chức, viên chức, người lao động hăng say lao động sản xuất (25/11/2021)
- Đôi nét về những giá trị tích cực của tôn giáo đối với xã hội hiện nay (25/11/2021)
- Hoạt động từ thiện xã hội, chung tay phòng, chống dịch COVID-19 - Giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nhân văn của Phật giáo thành phố Cần Thơ (25/11/2021)
- Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. (25/11/2021)
- Tôn giáo ở Cần Thơ, 15 năm đồng hành - phát triển (24/12/2018)
- Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ nhìn từ góc độ quản lý nhà nước tại thành phố Cần Thơ (22/05/2018)
- Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo (21/03/2017)
- Quan điểm của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII - Vấn đề tôn giáo trong đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh (18/11/2021)
- Xây dựng cơ sở thờ tự văn hoá, văn minh ở thành phố Cần Thơ (17/01/2018)
- Phật giáo thành phố Cần Thơ nhìn lại 5 năm - một chặng đường phát triển (16/03/2022)
- Công tác phối hợp tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan tôn giáo ở Cần Thơ năm 2015 (14/04/2016)
- Thực hiện bình đẳng tôn giáo, một số kết quả thực tiễn ở thành phố Cần Thơ (13/11/2018)
- Du lịch tâm linh - Thực trạng và những vấn đề đặt ra (13/01/2019)
- Tôn giáo và công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo trong quá trình hội nhập (nghiên cứu trường hợp thành phố Cần Thơ) (11/10/2016)
- Thành phố Cần Thơ - Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển văn hóa, du lịch (11/02/2020)
- Tôn giáo ở thành phố Cần Thơ, trao yêu thương phát huy đạo đức tôn giáo trong đại dịch Covid - 19 (10/08/2021)
- Một số hoạt động an sinh xã hội của Công giáo ở TP. Cần Thơ (09/04/2019)
- Chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và một số kết quả triển khai, thực hiện tại thành phố Cần Thơ (08/12/2021)
- Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ XV – Nhìn lại quá trình hình thành và Phát triển của Hội đồng Giám mục Việt Nam qua các kỳ đại hội (06/10/2022)
- Những thành tựu về công tác nhân quyền trong tôn giáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ (06/03/2024)
- Phát huy và bảo tồn giá trị lễ hội truyền thống tại quận Bình Thủy (05/01/2019)
- 40 năm thực hiện Thư chung 1980 - Người Công giáo Việt Nam ở thành phố Cần Thơ trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước (04/08/2020)
- Đối thoại trong lĩnh vực tôn giáo ở thành phố Cần Thơ (03/01/2023)