Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Chuyên đề Nghiên cứu - chính sách tôn giáo

Xây dựng cơ sở thờ tự văn hoá, văn minh ở thành phố Cần Thơ

Ngày 17/01/2018 07:55 đăng bởi admin

Thành phố Cần Thơ hiện có 12/15 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sỹ, Baha’i, Phật đường Nam tông Minh Sư đạo, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bửu sơn Kỳ hương,  Hồi giáo, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn) và 01 Pháp môn (Pháp môn Cao Đài Đại đạo Chiếu minh Tam Thanh Vô Vi) với 25 tổ chức tôn giáo đã được công nhận tổ chức, ngoài ra còn có 13 hệ phái Tin lành (13 điểm nhóm) chưa công nhận tổ chức đang hoạt động; tổng số tín đồ tôn giáo là 485.926 người, 380 cơ sở thờ tự (có 78 cơ sở tín ngưỡng), 797 chức sắc, 1.556 chức việc, 524 nhà tu hành.

Ngày 27/4/2015, tại Hội nghị “Tôn giáo với việc tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh” do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã kết luận: Giao ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, hằng năm có tổng kết đánh giá việc phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ tổ quốc

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ tại Công văn 2673/UBND-VX, giao Ban Tôn giáo Cần Thơ chủ trì phối hợp thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ. Ngày 19/01/2016, Ban Tôn giáo Cần Thơ có Kế hoạch số 30/KH-BTG về việc “Phát huy vai trò của chức sắc, chức việc tôn giáo, người quản lý cơ sở tín ngưỡng với việc tuyên truyền vận động xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, phát triển kinh tế - xã hội” và sau đó phát động các chức sắc phụ trách các cơ sở tôn giáo (CSTG), người quản lý các cơ sở tín ngưỡng (CSTN) tham gia đăng ký xây dựng CSTG, CSTN đạt các tiêu chí văn hoá, văn minh (VHVM) theo tinh thần Thông tư 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014 (sau đây gọi tắt là Thông tư 04), với 06 tiêu chí:

1. Tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đúng quy định pháp luật tại cơ sở thờ tự, tín ngưỡng; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

2. Có bảng nội quy, quy ước về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh tại cơ sở thờ tự (có trang bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy, thùng rác, nhà vệ sinh, nơi đậu xe…).

3. Tích cực tham gia hoạt động từ thiện, an sinh xã hội; vận động quyên góp và sử dụng nguồn công đức (do vận động, cúng dường…) đúng mục đích, đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch.

4. Các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tại cơ sở có sự vận dụng, kết hợp phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hoá, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không để xảy ra các hoạt động vi phạm nếp sống văn hóa, văn minh, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường tại cơ sở.

5. Không để cơ sở thờ tự, tín ngưỡng bị lợi dụng vào các hoạt động vi phạm pháp luật, chia rẽ tôn giáo, dân tộc, làm mất an ninh trật tự và vi phạm các quy định của địa phương.

6. Tín đồ tôn giáo, người có tín ngưỡng thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, có lối sống thượng tôn pháp luật….

Sau thời gian triển khai đến đầu tháng 11 năm 2016, toàn thành phố có 197 cơ sở đăng ký thực hiện và qua khảo sát tình hình hình chung cho thấy việc xây dựng CSTG, CSTN văn hóa, văn minh là phù hợp với tinh thần cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời, đẹp đạo” mà các địa phương đang thực hiện. Tuy nhiên, do thời gian phát động và đăng ký ngắn (tháng 6 năm 2016 đến 11 năm 2016), là việc làm mới tại các cơ sở tôn giáo, trong khi điều kiện cơ sở vật chất ở từng CSTG, CSTN khác nhau nên việc xây dựng các tiêu chí còn cập rập, lúng túng; mặt khác, do chưa có sự phối hợp chặt từ Phòng Nội vụ quận, huyện với các xã, phường, thị trấn trong vai trò hỗ trợ, nhắc nhở, tác động đến các vị phụ trách CSTG, CSTN nên kết quả bước đầu qua khảo sát còn thấp.

Năm 2017, tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ, căn cứ phương hướng nhiệm vụ năm 2017; Tháng 7/2017, Ban Tôn giáo phối hợp Sở Văn hoá, thể thao và du lịch cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Ban Dân vận Thành uỷ tiến hành khảo sát kết quả thực hiện các tiêu chí VHVM, đồng thời tổ chức hội nghị sơ kết, thúc đẩy phong trào, Qua khảo sát thực tế  ngẫu nhiên tại 18 cơ sở, kết quả như sau:

- Các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, người đại diện cơ sở tín ngưỡng quan tâm và đồng tình với nội dung phát động của Ban Tôn giáo.

- Hầu hết các cơ sở được khảo sát đều thực hiện tốt các tiêu chí, trong đó tiêu biểu như Giáo xứ Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh; Chùa Giáo Hoà, Chùa Tây Lâm Phước, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ; Chùa Vạn Đức, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai…

- Để thực hiện tốt những nội dung đã đăng ký, hầu hết cơ sở đều quan tâm sinh hoạt, hướng dẫn tín đồ tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của địa phương như: tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; các hoạt động tôn giáo diễn ra tại cơ sở có sự vận dụng, kết hợp phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần định hướng nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống văn hoá, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đặc biệt là không để xảy ra các hoạt động vi phạm nếp sống văn hóa, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội

- Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tích cực vận động tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực như: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài phục vụ quê hương, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo, thực hiện an sinh xã hội, vận động tín đồ tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tuy đạt được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi, nhưng qua thực tế khảo sát cho thấy vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, điển hình như:

Một là, trong công tác tuyên truyền, phát động các CSTN, CSTG tham gia xây dựng nếp sống văn minh là chưa đều khắp; công tác tuyên truyền, phát động chỉ mới một bên (Ban Tôn giáo) mà chưa có sự cộng tác, phối hợp giữa các bên liên quan (theo nội dung Thông tư 04).

Hai là, đối với Phòng Nội vụ và ngành văn hoá quận, huyện còn thiếu sự quan tâm phối hợp, Phòng Nội vụ chưa chủ động kết hợp ngành văn hoá, hướng dẫn các cơ sở trong việc thực hiện các nội dung đăng ký; thậm chí các hoạt động của các ngành tổ chức tại các cơ sở chưa có sự trao đổi với cơ quan QLNN về tôn giáo, tín ngưỡng của thành phố và địa phương nhưng vẫn tổ chức tại CSTN, CSTG, gây khó thêm cho công tác quản lý.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả và lan tỏa phong trào, năm 2018, Ban Tôn giáo Cần Thơ sẽ tăng cường công tác phối hợp:

 - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức tôn giáo tốt đẹp trong đời sống tôn giáo và cộng đồng dân cư theo tinh thần Thông tư 04 của Bộ VH-TT & DL và Bộ Nội vụ, gắn kết chặt chẽ với việc tuyên truyền vận động quần chúng tín đồ tôn giáo hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

- Vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; hưởng ứng các cuộc vận động ở địa phương nhưNgười Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Vì người nghèo”, cứu trợ thiên tai và các chính sách an sinh xã hội khác.

- Phòng Nội vụ và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc nhắc nhở, hướng dẫn, tạo điều kiện để các CSTN, CSTG hoàn thiện các tiêu chí đã đăng ký, góp phần xây dựng nếp sống văn minh tại các cơ sở, đây cũng là nhiệm vụ của các địa phương trong việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

- Đề nghị Bộ VH-TT & DL xem xét, có hình thức công nhận các CSTN, CSTG đạt các tiêu chí là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo văn hoá, văn minh như hộ gia đình hoặc ấp, khu vực./.

Lê Hùng Yên

TIN ĐÃ ĐƯA