Chuyên đề Nghiên cứu - chính sách tôn giáo
Đôi nét về những giá trị tích cực của tôn giáo đối với xã hội hiện nay
Ngày 25/11/2021 10:51 đăng bởi lnny
Việt Nam là nước có nhiều tôn giáo, hiện nay có 16 tôn giáo với 43 tổ chức đã được công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Tại thành phố Cần Thơ có 14 tôn giáo với 27 tổ chức đã được công nhận và cấp đăng ký hoạt động.
Trong thời đại thông tin được chia sẻ lan tràn như ngày nay, người dân khi tiếp cận với lĩnh vực tôn giáo với những thông tin liên quan đến các đối tượng lợi dụng tôn giáo có những hoạt động vi phạm pháp luật, những thông tin về dân tộc, tôn giáo bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, gây chia rẽ, gây xung đột xã hội, hoặc một số vấn đề liên quan đến tôn giáo do lịch sử để lại… thì một số người dân nhìn tôn giáo dưới góc độ có phần tiêu cực, có phần ác cảm đối với tôn giáo.
Tuy nhiên, các thông tin tiêu cực trên không phản ảnh toàn cảnh bức tranh tôn giáo trong thời kỳ hiện nay, chúng ta cần tiếp cận và nhìn nhận tôn giáo dưới góc độ tương đồng, với những giá trị tích cực mà tôn giáo đem lại để khơi dậy được nguồn lực từ tôn giáo, động viên giá trị tốt đẹp, phát huy được tính tích cực để cả người lương - giáo có mối quan hệ tốt đẹp và cùng chung tay góp sức trong công cuộc xây dựng xã hội ngày càng giàu mạnh.
Đối với các tôn giáo được Nhà nước
công nhận và cấp đăng ký hoạt động đều có chung đường hướng hoạt động tốt đẹp,
vì quốc gia, vì dân tộc, đều mang những giá trị tích cực, đầy tính nhân văn.
Các tôn giáo khác nhau tuy có những hoạt động tôn giáo, nghi lễ… khác nhau
nhưng đều có chung lối sống “tốt đời, đẹp đạo”, đều tích cực phát huy nguồn lực
của tôn giáo mình vì cộng đồng, việc thực hiện các hoạt động thiện nguyện,
tương trợ đối với những hoàn cảnh khó khăn đã trở thành hoạt động thường xuyên,
là hoạt động không thể thiếu trong các tôn giáo.
Mỗi tôn giáo có sự đóng góp hỗ trợ khác nhau, có tôn giáo hỗ trợ lương thực, thực phẩm, xây nhà, có tôn giáo hỗ trợ khám chữa bệnh (Phòng thuốc nam từ thiện của Tịnh độ Cư sĩ, các phòng chẩn trị của Phật giáo, Công giáo, Cao Đài…), có tôn giáo hỗ trợ xe chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, nấu cơm, cháo, nước sôi tại các bệnh viện miễn phí như Phật giáo Hòa Hảo… Những hoạt động từ thiện này đã thể hiện rất rõ nét nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn, là minh chứng cho tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc.
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 bùng phát, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, các tổ chức tôn giáo không những đã tích cực quyên góp vật chất, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu… cho người dân gặp khó khăn trước đại dịch, người dân ở khu cách ly, phong tỏa… mà còn sẵn sàng làm tình nguyện viên tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi tuyến đầu, sẵn sàng sử dụng cơ sở tôn giáo làm bệnh viện dã chiến, làm khu cách ly…
Bên cạnh công tác an sinh xã hội thì các tôn giáo cũng đã phát huy một cách tích cực những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của mình vào việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.
Chúng ta biết rằng, mỗi tôn giáo có các giá trị văn hóa, đạo đức nhằm điều chỉnh hành vi, chuẩn mực, lối sống của tín đồ, hướng tín đồ đến chân - thiện - mỹ. Trong giáo lý, giáo luật của các tôn giáo đều có chung nội dung là định hướng con người, khuyên răn con người điều chỉnh hành vi của mình trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức của xã hội, hướng tín đồ đến lòng nhân ái, yêu thương, vị tha, những hành động tốt đẹp, với tư tưởng phục vụ là trên hết, hành động với tinh thần trách nhiệm cao cả, tích cực thực hiện những điều thiện, điều có ích cho cộng đồng, cho xã hội…
Với định hướng đó, các tôn giáo đã cùng với địa phương thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình như “Giáo xứ, Họ đạo ba không”, “Cổng rào an ninh trật tự”, “Tuyến đường an toàn về an ninh trật tự” , hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng cơ sở thờ tự văn hóa, văn minh; tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; kêu gọi tín đồ hưởng ứng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần,… Nhiều xã, phường là vùng tôn giáo toàn tòng, với sự góp phần phát động của các chức sắc, chức việc tôn giáo đã thực sự trở thành những địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác, giữ gìn tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội, người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp ngày càng nhiều cho địa phương.
Với việc các tôn giáo đóng góp nguồn lực tôn giáo cả về vật chất lẫn tinh thần như trên, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời với những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp, là chỗ dựa tinh thần cho người dân, đã góp phần hướng con người đến lối sống tốt đẹp, có ích cho xã hội, góp phần trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, Đảng ta đã nêu: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng.”[1]
Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, để thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương - giáo vì sự nghiệp chung, đồng thời để phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn này trong thời gian tới, tác giả nghĩ rằng: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các cấp chính quyền, đoàn thể cần thống nhất quan điểm hơn nữa đối với nhận thức về tôn giáo, nắm vững quan điểm, chủ trương, chính sách đối với tôn giáo trong thời kỳ phát triển mới hiện nay, nghiên cứu sâu hơn về tín ngưỡng, tôn giáo, hiểu rõ hơn đặc điểm của tín đồ, chức sắc, chức việc tôn giáo, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ công tác vận động quần chúng để việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ngày càng có hiệu quả hơn; phối hợp tốt hơn, chặt chẽ hơn trong công tác vận động quần chúng, làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cốt cán trong tôn giáo. Từ đó, những điều tích cực sẽ được lan tỏa ra, những hành động tốt đẹp được nhân rộng ra, làm mất đi những góc nhìn tiêu cực đối với tôn giáo của một số người dân, bức tranh tôn giáo sẽ ngày càng được hoàn thiện hơn. Người dân không phân biệt lương - giáo, đồng lòng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo thành phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh loại trừ các biểu hiện tiêu cực và lợi dụng tôn giáo vì các ý đồ xấu… tạo nên sự ổn định ở địa phương, cơ sở và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua thực tế cho thấy, tôn giáo giữ vai trò vị trí quan trọng, trong đó có những yếu tố có thể chi phối, tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, việc nhìn nhận tôn giáo với những giá trị tích cực, từ đó tạo sự tương đồng, tạo mối liên hệ giữa chính quyền địa phuơng với chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo để thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo, công tác vận động đồng thời kết hợp hài hòa, phát huy những nguồn lực, những giá trị của tôn giáo góp phần vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển bền vững, phồn vinh của xã hội hôm nay và ngày mai./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144.