Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Chuyên đề Nghiên cứu - chính sách tôn giáo

Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về tôn giáo ở Cần Thơ

Ngày 26/09/2017 08:38 đăng bởi admin

         Cải cách hành chính (CCHC) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, là quá trình thay đổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần phải cải cách thủ tục hành chính (TTHC) như thế nào trong lĩnh vực QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo (TN,TG)  để thông qua cải cách hành chính nhằm đảm bảo quyền tự do TN,TG trong khuôn khổ luật pháp, đồng thời để nâng cao hiệu quả công tác vận động, tranh thủ quần chúng tín đồ, chức sắc, chức việc các tôn giáo và đồng bào có tín ngưỡng.

        Cơ sở pháp lý để cải cách TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) về TN,TG là Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh TN,TG; Thông tư số 01/2013/TT-BNV ngày 25/3/2013 của Bộ Nội vụ ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu về TTHC trong lĩnh vực TN,TG; Quyết định số 1119/QĐ-BNV ngày 10/10/2013 của Bộ Nội vụ về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực TN,TG. Nghị định số 92/2012/NĐ-CP cũng nhằm mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết số 54/2010/NQ-CP về đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực TN,TG.

        Khi có Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh TN,TG, Ban Tôn giáo là cơ quan trực thuộc Sở Nội vụ, có trách nhiệm tham mưu Giám đốc Sở Nội vụ trình UBND thành phố giải quyết các vấn đề liên quan TTHC về lĩnh vực TN,TG. Những năm qua, Ban Tôn giáo Cần Thơ đã thành lập bộ phận nhận hồ sơ và trả kết quả, ban hành Quy trình nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ liên quan TN,TG. Kết quả giải quyết TTHC cụ thể như sau:

       Năm 2013, tiếp nhận 131 hồ sơ liên quan lĩnh vực TN,TG, gồm: Thẩm quyền Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố là 87 hồ sơ, đã giải quyết 87 hồ sơ, thẩm quyền Ban Tôn giáo giải quyết là 44 hồ sơ, đã giải quyết  44 hồ sơ.

       Năm 2014, tiếp nhận 157 hồ sơ liên quan lĩnh vực TN,TG, trong đó: Thẩm quyền UBND thành phố 113 hồ sơ, đã giải quyết 113 hồ sơ; thẩm quyền Ban Tôn giáo 44 hồ sơ, đã giải quyết 44 hồ sơ.

      Năm 2015, tiếp nhận 152 hồ sơ liên quan lĩnh vực TN,TG, trong đó: thẩm quyền UBND thành phố 115 hồ sơ, đã giải quyết 115; thẩm quyền Ban Tôn giáo Chính phủ: 01 đơn, đã giải quyết; thẩm quyền Ban Tôn giáo: 36 hồ sơ, đã giải quyết 36 hồ sơ).

        * Thực hiện theo ISO:

        Do việc tham mưu UBND thành phố phải thông qua Sở Nội vụ, vì vậy việc giải quyết TTHC mất nhiều thời gian. Mặc dù các hồ sơ đều được giải quyết dứt điểm nhưng nhiều trường hợp không đảm bảo yêu cầu về thời gian. Để khắc phục bất cập này, năm 2016 Ban Tôn giáo áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN - ISO 9001:2008 về  lĩnh vực TN,TG với 16 TTHC (theo Quyết định số 567/QĐ-BTG ngày 18/12/2015 của Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ).

        Tính từ 01/01/2016 đến ngày 14/9/2017, Ban Tôn giáo Cần Thơ đã nhận 310 đơn, trong đó đã tham mưu UBND thành phố thực hiện 203 hồ sơ TTHC theo Quy trình ISO, 107 đơn liên quan khác như xây dựng, đất đai,…, xác minh tư cách công dân phúc đáp cho các tỉnh, thành. 100% hồ sơ được giải quyết dứt điểm, đúng quy định về trình tự, thủ tục và thời gian.

        * Đối với Cổng thông tin điện tử Ban Tôn giáo:

       Ngày 27 tháng 01 năm 2015 Ban Tôn giáo đã hoàn thành và đưa vào vận hành Dự án: “ Hệ thống thông tin TN,TG TPCT và Website BTG TPCT với tên miền www.bantongiao.cantho.gov.vn. 

        Ứng dụng Cổng thông tin trong QLNN về tôn giáo thời gian qua đã cung cấp nhiều tiện ích, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trên lĩnh vực TN,TG[1].

        * Đáp ứng nhiều hoạt động thiết thực của tôn giáo phát sinh nhưng chưa được luật pháp quy định.

       Ban Tôn giáo tham mưu và được UBND thành phố chấp thuận cho một số tổ chức tôn giáo đăng ký chương trình hoạt động hàng năm, hàng quý như: Các Ban Đại diện của từng tôn giáo, Trung tâm Mục vụ của Công giáo; ủy quyền cho UBND quận, huyện cho phép tổ chức tôn giáo quận, huyện tổ chức đại hội như: Ban Trị sự Phật giáo quận, huyện; Tham mưu UBND thành phố ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận huyện tiếp nhận đăng ký nhân sự bầu cử, suy cử của tổ chức tôn giáo cơ sở và tổ chức tôn giáo có phạm vi hoạt động trong một quận, huyện như: Ban Trị sự Phật giáo quận, huyện, Ban Hộ tự các chùa chưa bố trí trụ trì và Ban Trị sự PGHH xã, phường; Tham mưu UBND thành phố ủy quyền cho Sở Nội vụ giải quyết các trường hợp thay đổi về thời gian tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sau khi đã có chủ trương cho phép của thành phố[2].

         * Công tác phối hợp.

        Trong thời gian qua, nhìn chung công tác phối hợp giữa Ban Tôn giáo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các sở, ban, ngành thành phố và quận, huyện trong việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến TN,TG đạt được hiệu quả cao, kịp thời tham mưu đề xuất giải quyết các nhu cầu chính đáng của tôn giáo...

          Việc duy trì thường xuyên họp xét đơn liên ngành với thành phần nêu trên đã thật sự phát huy hiệu quả. Thứ nhất, tập hợp được thông tin nhiều chiều, kịp thời và phù hợp với thực tế của địa phương, có được kết quả khách quan từ nhiều lĩnh vực, đặc biệt là từ cơ sở. Thứ hai, tạo được sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của lực lượng trực tiếp tham mưu. Thứ ba, thống nhất trong nhận xét đánh giá vấn đề và tham mưu nhất quán, chính xác và chặt chẽ cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân cũng như các sở, ban, ngành. Thứ tư, tránh được sự bất cập mà một số tỉnh, thành khác đang vướng, đó là khi có chủ trương nhưng không thể thực hiện do phát sinh tình tiết theo qui định pháp luật của các ngành chức năng liên quan. Thứ năm, khi đã có chủ trương thì việc tổ chức thực hiện và hỗ trợ các tôn giáo hoạt động kịp thời, đồng bộ và hiệu quả[3].

        * Tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác CCHC lĩnh vực TN,TG và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức tôn giáo đối với công tác QLNN về TN,TG[4]

        Ngày 27/5/2016, Ban Tôn giáo đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác CCHC lĩnh vực TN,TG nhằm lắng nghe, trao đổi, đánh giá tinh thần trách nhiệm của cơ quan QLNN và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức tôn giáo đối với công tác QLNN về hoạt động TN,TG thời gian qua.

          Hội nghị có sự tham dự của 65 đại biểu gồm: 45 đại biểu đại diện các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; Lãnh đạo Thành ủy, Uỷ ban nhân dân thành phố và 20 đại biểu lãnh đạo các sở, ngành liên quan, đại diện Phòng Nội vụ các quận, huyện.

         Tại hội nghị có 10 ý kiến trực tiếp và 09 ý kiến qua văn bản; tập trung vào các mặt:

           * Mặt làm được:

         Thời gian qua, các TTHC về lĩnh vực TN,TG được thực hiện giữa các tổ chức, cá nhân tôn giáo với cơ quan QLNN về hoạt động tôn giáo có nhiều thuận lợi, đảm bảo đúng quy trình và thời gian quy định về thực hiện thủ tục hành chính. Cải cách TTHC ngày càng được quan tâm và đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả công việc ngày càng thể hiện rõ nét; việc công khai các thủ tục và tổ chức giải quyết các TTHC ngày một tốt hơn.

         Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trong các tổ chức, cá nhân tôn giáo kịp thời. Ban Tôn giáo chủ động tổ chức các cuộc hội nghị và phối hợp với các tổ chức tôn giáo tuyên truyền trong các lớp giáo lý, bồi linh, khóa an cư kiết hạ, lớp giáo lý hạnh đường…Có sự chuyển biến khá rõ nét về nhận thức và hành động trong công tác CCHC và giải quyết các TTHC, thể hiện ở việc tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân tôn giáo, giảm thiểu tối đa các thủ tục không cần thiết, tránh sự phiền hà; tạo điều kiện thuận lợi về thời gian đối với tổ chức, cá nhân tôn giáo.

         Lực lượng làm công tác QLNN về hoạt động tôn giáo các cấp đã có sự chủ động, linh hoạt trong tham mưu nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập, tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân tôn giáo, đáp ứng nhu cầu của quần chúng tín đồ.

        Việc áp dụng quy trình tiêu chuẩn ISO trong giải quyết TTHC của Ban tôn giáo đã thực sự đem lại hiệu quả; các TTHC đều có quy trình xử lý công khai; các tổ chức, cá nhân tôn giáo đến Ban được hướng dẫn tận tình, trả kết quả đúng hẹn, sự hài lòng ngày càng cao hơn.

        Ứng dụng công nghệ thông tin thông qua Cổng thông tin điện tử Ban Tôn giáo vào công tác QLNN về hoạt động tôn giáo nhằm nâng cao chất lượng công tác CCHC từng bước phát huy hiệu quả.

         * Mặt khó khăn, hạn chế: 

        Nghị định 92/2012/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập, nhiều nhu cấp thiết của tôn giáo chưa được đề cập. Còn có sự chồng chéo trách nhiệm trong việc giải quyết cho phép tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa tại các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng.

        Một số trường hợp các tổ chức, cá nhân TN,TG chưa thể hiện tốt tinh thần thượng tôn pháp luật và giáo luật, tổ chức một số hoạt động theo suy nghĩ cá nhân. Một số tổ chức, cá nhân tôn giáo chưa nắm hết quy trình, thủ tục hành chính liên quan TN,TG nên thực hiện hồ sơ, thủ tục chưa đúng biểu mẫu và thời gian nộp theo quy định, gây khó khăn trong quá trình giải quyết. Vai trò của tổ chức tôn giáo, của chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo chưa thể hiện rõ trong việc tham gia giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân chưa chấp hành pháp lệnh TN,TG và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP.

          + Lực lượng làm công tác tôn giáo ở số địa phương cơ sở chưa nắm hết các thủ tục liên quan tín ngưỡng, tôn giáo nên việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chưa đúng theo trình tự, thủ tục quy định. Lực lượng này thường xuyên thay đổi dẫn đến một số trường hợp thiếu nhất quán, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả cải cách hành chính.

        Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu những kiến nghị, đề xuất:

          Đối với ngành QLNN về tôn giáo các cấp:  Đề nghị tăng cường tổ chức các Hội nghị, các lớp tập huấn chính sách, pháp luật, nội dung chương trình cần cập nhật, chỉnh sửa để sát thực tế hơn, đặc biệt là những kinh nghiệm thực tiễn trong giải quyết các vấn đề sinh hoạt TN,TG....Thành phố nghiên cứu và đề xuất với Ban Tôn giáo Chính phủ xem xét có thể điều chỉnh cho phép các cơ sở thờ tự đăng ký chương trình hoạt động 3 năm hoặc 5 năm nếu chương trình hoạt động thường niên không thay đổi hoặc nếu có thay đổi thì đăng ký bổ sung (không đăng ký hàng năm như hiện nay, quá rườm rà, không cần thiết vì chương trình hàng năm giống như nhau).

        Đối với các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng: Đề nghị Tổ chức tôn giáo, Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng tạo điều kiện để các vị chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, người quản lý cơ sở tín ngưỡng nắm vững và thực hiện trên tinh thần tuân thủ pháp luật và Hiến chương của giáo hội, quy định của cơ sở tín ngưỡng.  Vai trò của tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo cần được thể hiện rõ ràng hơn, cụ thể hơn đối với các hành vi lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật của một số cá nhân chưa chấp hành các quy định của pháp luật.

           Qua việc tổ chức hội nghị, thể hiện:

        Việc đẩy mạnh cải cách TTHC và giải quyết các TTHC thời gian qua của các cơ quan hành chính Nhà nước nói chung, của cơ quan làm công tác tôn giáo nói riêng được hầu hết đại biểu và chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo, người quản lý cơ sở tín ngưỡng đánh giá cao.

        Sự quan tâm giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của các cấp chính quyền đã tạo được niềm tin, sự phấn khởi của các cá nhân và tổ chức TN,TG. Mối quan hệ phối hợp giữa các tổ chức tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành, người quản lý cơ sở tín ngưỡng đối với cơ quan Nhà nước ngày càng chặt chẽ, trách nhiệm, trên tinh thần đoàn kết, hoà hợp. Đồng thời tạo được sự lan toả, tác động qua lại giữa các tôn giáo trong việc chấp hành chính sách, pháp luật.

           Lực lượng làm công tác QLNN về hoạt động TN,TG ngày càng vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ; nhận thức và quan điểm về chính sách TN,TG được nâng lên rõ rệt; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của công chức khi tiếp xúc tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo, người quản lý cơ sở tín ngưỡng ngày càng gần gũi, thân thiện, văn minh.

         Qua Hội nghị, cũng nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều cá nhân và tổ chức tôn giáo, thể hiện tính công khai dân chủ và cầu thị. Cơ quan QLNN về tôn giáo cũng nhận được nhiều ý kiến bổ ích để tiếp tục nâng cao hiệu quả QLNN. Đặc biệt là việc chủ động triển khai đưa Luật TN,TG đi vào thực tế cuộc sống từ ngày 01/01/2018./.



[1] Lê Hùng Yên(2017 ), “ ứng dụng công nghệ thông tin trong QLNN về tôn giáo ở Cần Thơ”, Tạp chí công tác tôn giáo, (số 7) (131) "tr.26-29".

[2] http://baocantho.com.vn/don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-trong-linh-vuc-tin-nguong-ton-giao-a13991.html

[3]  Lê Hùng Yên(206), “ Thành phố Cần Thơ phối hợp tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan tôn giáo”, Tạp chí Công tác tôn giáo, (số 9) (121), "tr.16-18".

[4] http://canthotv.vn/cai-cach-hanh-chinh-can-tho-cai-cach-hanh-chinh-trong-linh-vuc-ton-giao/

Lê Hùng Yên

TIN ĐÃ ĐƯA