Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Chuyên đề Nghiên cứu - chính sách tôn giáo

Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Ngày 25/11/2021 16:45 đăng bởi bachthang

Ngay sau khi tuyên bố nền độc lập của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra các vấn đề cấp bách của quốc gia, trong đó có vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo: “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương - Giáo đoàn kết”. Đồng thời, Người cũng căn dặn: “ Lương - Giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam hòa Bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh”. Người đã ký Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 đã nêu rõ: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo”.

Tín ngưỡng, tôn giáo và những vấn đề cấp bách về tín ngưỡng, tôn giáo, những nhiệm vụ mang tính lâu dài của Chính quyền theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới đất nước, trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đến nay. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được kế thừa và phát triển qua các lần đại hội của Đảng.

- Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16 tháng 10 năm 1990 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI về việc tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, trong đó có nêu các nhận thức mới về tín ngưỡng, tôn giáo như sau: “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hoá, đạo đức phù hợp với chế độ mới”, “Các giáo hội và hệ phái tôn giáo có đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, có tôn chỉ, mục đích, điều lệ phù hợp với luật pháp Nhà nước, có tổ chức thích hợp và có bộ máy nhân sự đảm bảo tốt về hai mặt đạo, đời, được Nhà nước xem xét trong từng trường hợp cụ thể để cho phép hoạt động”.

- Nghị quyết số: 25-NQ/TW, ngày 12 tháng 03 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã nêu rõ về quan điểm, chính sách đối với tôn giáo như sau:  Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”,...v.v.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đã đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới, có nhiều nội dung bổ sung, cập nhật, kế thừa, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các tầng lớp công nhân, trí thức và nhân dân, trong đó vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo vẫn được Đảng ta tiếp tục nhắc lại trong các nội dung chính của Báo cáo Chính trị như: “ ...Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan....”.

Trong “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 -2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025” của Đảng ta trình tại Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng có nêu: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”.

Ngoài Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh còn có các văn bản dưới luật được các cơ quan Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Nội vụ quy định về công tác tín ngưỡng, tôn giáo điều chỉnh hành vi, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với luật pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa, dân tộc của Việt Nam.

Quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước Việt Nam là điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo phát triển cùng với dân tộc:

- Trước thời kỳ đổi mới năm 1986, chỉ có 03 tổ chức tôn giáo được công nhận[1], cấp đăng ký hoạt động tôn giáo ở Việt Nam nhưng đến thời kỳ đổi mới đất nước năm 1986 đến trước ngày Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/UBTVQH11 có hiệu lực thi hành (từ ngày 15 tháng 11 năm 2004) đã có thêm 13 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận[2].

- Từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến nay, Việt Nam có 16 tôn giáo và 43 tổ chức tôn giáo (được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là tổ chức tôn giáo và chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tại Việt Nam theo Luật quy định), có khoảng 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước[3].

Riêng tại thành phố Cần Thơ, hiện nay 13 tôn giáo với  27 tổ chức tôn giáo và hơn 57 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo, có 512.680 tín đồ các tôn giáo (chiếm tỷ lệ hơn 40% dân số). Đồng thời, thành phố Cần Thơ là địa phương có các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo chuyên nghiệp như: Đại Chủng Viện Thánh Quý Cần Thơ; Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; Trường Trung cấp Phật học và Lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học thành phố Cần Thơ đang hoạt động, định hướng tới sẽ thêm Phân viện Thánh kinh Thần học.

Sau 03 năm triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ, cho thấy Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã đi vào cuộc sống, điều chỉnh hành vi con người về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các hoạt động tôn giáo cơ bản ổn định, từng bước đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật; tạo điều kiện thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tốt hơn, phù hợp với thực tiễn đời sống tinh thần, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân ở Việt Nam hiện nay. Các tổ chức tôn giáo được công nhận đều có đường hướng, phương châm hành đạo gắn bó đồng hành cùng với dân tộc, sinh hoạt tôn giáo ổn định, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người luôn được Đảng và Nhà nước bảo đảm tổ chức thi hành theo pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, xu thế phát triển toàn cầu của nhân loại. Nhà nước luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, đảm bảo để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, tôn trọng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân.

Trong thời đại công nghiệp, sự tiếp cận tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân rất thuận lợi, kết hợp với nhu cầu tín ngưỡng ngày càng tăng, nhiều hình thức truyền giảng đạo thông qua mạng xã hội, inte et, Zoom,..v.v. Thực hiện theo quan điểm, chính sách pháp luật của Đảng và  Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đòi hỏi công chức Nhà nước cần nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đảm bảo quyền công dân về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao trình độ ứng dụng thành tựu khoa học tiến bộ, sử dụng công cụ công nghệ thông tin phát triển và công nghệ trong công tác quản lý để làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân về sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật và công tác đấu tranh chống lại các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động sai trái với pháp luật của Nhà nước, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết tôn giáo, dân tộc, ảnh hưởng đến nền hòa bình của nhân loại, độc lập dân tộc, an ninh quốc gia./.

                                                                                                     Phạm Bách Thắng

[1]Tổng Hội thánhTin Lành Việt Nam (miền Bắc) năm 1958; Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 và Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981.

[2]Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo, Hội thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu, Hội thánh Truyền giáo Cao Đài, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh, Hội thánh Cao Đài Chơn Lý, Hội thánh Cao Đài Bạch Y liên đoàn, Hội thánh Cao Đài Cầu kho Tam Quan, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo TP.HCM, Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An giang.

[3] Trích nguồn: Báo cáo số 153/BC-TGCP ngày 14/12/2020 của Ban Tôn giáo Chính phủ.

TIN ĐÃ ĐƯA