Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Chuyên đề Nghiên cứu - chính sách tôn giáo

Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ nhìn từ góc độ quản lý nhà nước tại thành phố Cần Thơ

Ngày 22/05/2018 10:41 đăng bởi lnny


Những năm gần đây, đạo Tin Lành phát triển mạnh ở Cần Thơ; đặc biệt, sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, nhiều hệ phái mới từ nước ngoài thâm nhập. Sự phát triển này cho thấy chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đi vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, song song đó cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm, xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới như: Tổ chức truyền giáo Gospelink ở Mỹ vu cáo Việt Nam đàn áp Tin Lành để huy động nguồn tiền lẫn tài trợ cho các chức sắc ở Việt Nam, trong đó có 07 chức sắc ở Cần Thơ; Tin Lành Trung Quốc (Một số Mục sư có những hoạt động không phù hợp tại Trung Quốc bị xử lý nay về Việt Nam hoạt động); “Giáo lý một ngôi” (Giáo lý mâu thuẫn với giáo lý của các hệ phái Tin Lành khác) từ Singapore truyền vào Cần Thơ.

Đặc biệt gần đây dư luận đang rất quan tâm đến “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”. Nhiều phương tiện thông tin đại chúng chỉ ra những hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật đã gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Từ góc độ quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo, chúng tôi nhận thấy, đối mặt với những hoạt động tuyên truyền, lôi kéo của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”, chúng ta cần có cái nhìn bình tĩnh, khoa học, từ đó có ứng xử phù hợp không chỉ với “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” mà còn đối với các “Hiện tượng Tôn giáo mới” tương tự.

Thứ nhất, phải khẳng định rằng việc phân ly, tự chia tách, tự lập hệ phái mới, điểm nhóm mới, hiện tượng tôn giáo mới có thể xem như đặc tính của đạo Tin Lành. Tại Cần Thơ hiện có 21 hệ phái với 53 điểm nhóm, trong đó có 08 hệ phái đã được công nhận tổ chức hoặc đã cho phép hoạt động. Tất cả các hệ phái và điểm nhóm đều được tạo điều kiện hoạt động bình thường theo pháp luật.

Nền tảng lý luận, giáo lý, giáo luật của các hệ phái Tin Lành đều dựa trên cơ sở Kinh thánh và đều tôn thờ Đức Chúa Trời. Các hệ phái, điểm nhóm tại Cần Thơ cũng vậy, đều sử dụng toàn bộ nội dung Kinh thánh qua các bản dịch chính thống và thông dụng, các ấn phẩm đều có nguồn gốc rõ ràng vì vậy ít xảy ra xung đột và cũng vì vậy nhiều hệ phái, điểm nhóm thường hướng đến lấy “Đức Chúa Trời” làm tên gọi cho hệ phái, điểm nhóm mình.

Thứ hai, về hiện tượng tôn giáo mới “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”, qua các tài liệu, cho thấy “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” cũng tự cho mình là lấy Kinh thánh làm gốc, tuy nhiên thực tế lại trích đoạn Kinh thánh rời rạc, lồng ghép lợi ích cá nhân, mâu thuẫn với một số nội dung trong chính Kinh thánh, từ đó mâu thuẫn với giáo lý của các hệ phái, điểm nhóm khác. Các hệ phái, điểm nhóm khác phản ứng khá mạnh và hầu hết đều cho hiện tượng tôn giáo mới này vào “tà giáo” và gọi là “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” để phân biệt với các Hội thánh Đức Chúa Trời khác.

Nội dung hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” thời gian qua đã được nhiều phương tiện truyền thông chỉ rõ: Hành vi xúi giục, kích động người theo ứng xử không hiếu kính với cha, mẹ, đập phá bà thờ tổ tiên của gia đình, tuyên truyền người thân là ma quỷ, buộc người tin theo phải đóng một khoản tiền nhất định, đi ngược lại vi thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc và vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhận dạng “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”, cần kiểm chứng, phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung. Tại Cần Thơ đã có một điểm nhóm Tin lành “ Hội Thánh Đức Chúa Trời”, hoạt động từ năm 1984, sau khi một nhóm người tách ra từ Tin Lành Việt Nam Miền Nam. Điểm nhóm này được UBND phường An Phú cấp sinh hoạt vào tháng 6 năm 2015 và hoạt động liên tục đến nay. Điểm này có 111 tín đồ, do bà Trần Thị Khéo làm Trưởng điểm nhóm. Qua các hoạt động, có thể thấy hệ phái tại Cần Thơ không trùng với “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”, cụ thể là vẫn tổ chức lễ vào ngày Chủ nhật, không cấm treo thập tự giá, không thờ ai ngoài Thiên Chúa, vẫn có ngày Giáng sinh, không vi phạm nội dung trong các nhóm hành vi bị nghiêm cấm tại điều 5, Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ ba, về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước:

Hoạt động tôn giáo, tin theo tôn giáo dưới góc độ pháp luật chính là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, một quyền thể hiện cho tính ưu việt của nhà nước Việt Nam, một quyền đã từng bước được xác lập ngày một đầy đủ hơn ở Việt Nam, gần đây nhất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được nâng lên tầm cao mới, đó là được khẳng định trong một chương của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Khi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo bằng pháp luật cũng là khi bị các tổ chức và cá nhân lợi dụng, tự giải thích và tự cho phép mình hoạt động bất chấp luật pháp.

Cũng cần nói thêm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đây được xem là vấn đề nhân quyền, là quyền con người trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng như quyền con người trong các lĩnh vực khác, quyền con người không phải là vô hạn. Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, quyền con người bị giới hạn và bị chế tài bởi lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích cộng đồng. Nội dung tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, giới hạn và chế tài với những hành vi vi phạm được nêu rõ trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Khoản 2, Điều 3. Trách nhiệm của nhà nước: Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.

- Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm: Điểm b, khoản 4, Điều 5, nghiêm cấm các hành vi xâm hại đạo đức xã hội, xâm hại tài sản của người khác. Khoản 5, Điều 5, nghiêm cấm hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.

- Điều 16. Nhà nước cho phép sinh hoạt tôn giáo tập trung và chỉ khi được phép sinh hoạt tôn giáo tập trung mới được hoạt động.

- Tại điểm a, khoản 2, Điều 17. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Yêu cầu phải có địa điểm và nơi sinh hoạt cụ thể. Nếu đã được cho phép sinh hoạt tôn giáo tập trung thì cũng phải có địa điểm và thời gian cụ thể.

          - Khoản 4, Điều 6 và Khoản 2, Điều 46. Chỉ cho phép chức sắc, chức việc, nhà tu hành được truyền giảng đạo, nhưng chỉ tại cơ sở thờ tự hoặc địa điểm sinh hoạt hợp pháp. Trường hợp ngoài cơ sở thờ tự hoặc địa điểm sinh hoạt hợp pháp phải xin phép.

Thứ tư, về trách nhiệm, chúng tôi thấy rằng, trước các hành vi phản cảm của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”, trách nhiệm thuộc về cả hai phía, tôn giáo và chính quyền.

Trước tiên là trách nhiệm của các tôn giáo, cần có những hành động cụ thể để bảo vệ nét trong sáng của tôn giáo nói chung và của tôn giáo mình nói riêng. Đối với các hệ phái, các điểm nhóm Tin Lành, cần chủ động tự bảo vệ những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán dân tộc Việt Nam của hệ phái mình.

Về trách nhiệm của chính quyền, lực lượng làm công tác tôn giáo cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trước những hành vi phản cảm, dụ dỗ, lôi kéo của các hiện tượng tôn giáo mới tương tự như “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”. Đồng thời, cần phân biệt giữa các hệ phái, điểm nhóm có tên gọi tương tự nhau nhưng khác nhau về giáo lý, giáo luật. Lấy Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản luật liên quan làm cơ sở pháp lý cho việc phát hiện và chế tài đối với các hiện tượng tôn giáo tương tự./.

 

Lê Hùng Yên[1]



[1] Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ.

TIN ĐÃ ĐƯA