Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Chuyên đề Nghiên cứu - chính sách tôn giáo

Tôn giáo ở thành phố Cần Thơ, trao yêu thương phát huy đạo đức tôn giáo trong đại dịch Covid - 19

Ngày 10/08/2021 10:29 đăng bởi vantuan

“  

       “Đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai. Chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội”[1]

        “Đạo đức tôn giáo là hệ thống những quy tắc, chuẩn mực nhằm điều chỉnh, đánh giá sự giao tiếp và hành vi ứng xử của tín đồ trong mối quan hệ giữa họ với đối tượng thờ phụng, cũng như giữa họ với nhau, với cộng đồng xã hội và với tự nhiên nhằm đảm bảo sự thống nhất lợi ích của cá nhân, tập thể và cộng đồng tôn giáo”[2]

        Đường hướng hoạt động của các tôn giáo là đồng hành cùng dân tộc: Công giáo “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phụng vụ hạnh phúc đồng bào”; Phật giáo “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; Phật giáo Hào Hảo "Vì Ðạo pháp, Vì Dân tộc"; Cao Đài “Nước vinh - Đạo sáng”; Các tổ chức Tin Lành tại Việt Nam "Sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc"; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam “Tu học, hành thiện, ích nước lợi dân”; Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư Đạo “Hướng dẫn bổn đạo tu hành, tự độ độ tha, góp phần phục vụ dân tộc, xây dựng hòa bình an lạc cho Tổ quốc”; Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa “Hành tứ ân - Sống hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết toàn dân tộc”; Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam “Hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam, nêu cao tình thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, tôn giáo; phấn đấu vì sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, vì nền văn minh của nhân loại”;…

        “Trong hệ thống những giá trị chuẩn mực tôn giáo, ngoài những điều răn cấm đoán tạo nên nội dung riêng của đạo đức tôn giáo, còn có những điều khuyên răn, cấm đoán không hề có nội dung tôn giáo, mà là biểu hiện của các mối quan hệ thuần túy trần thế”[3]

        Mục tiêu của đạo đức tôn giáo là hướng con người đến những giá trị sống mang tính Chân - Thiện - Mỹ - Hòa.

        Đại dịch Covid-19 là đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, khởi nguồn vào cuối tháng 12 năm 2019, tính đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19, đợt thứ tư bắt đầu từ 27/4/2021 cho đến nay với biến chủng mới có tốc độ lây rất nhanh, gây khó khăn cho công tác phát hiện và điều trị.

        Hiện nay dịch bệnh Covid-19 ở thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh, thành phía Nam đang diễn biến phức tạp. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của người dân trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã tích cực phát huy đạo đức tôn giáo với tinh thần chia sẻ yêu thương, hỗ trợ giúp đỡ bằng những việc làm cụ thể, cùng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trao những phần quà gồm những mặt hàng thiết yếu đến bà con các vùng dịch, vùng phong tỏa; thực hiện bếp nấu những phần cơm hỗ trợ đến các trạm, chốt thực hiện công tác kiểm dịch và công tác test nhanh, tổ chức các phiên chợ 0 đồng,… như:

        Hạt Cần Thơ, Giáo phận Cần Thơ, Hạt Vĩnh Thạnh, Hạt Vĩnh An, Giáo phận Long Xuyên cùng các Giáo xứ, dòng tu trong Giáo phận đã trao lương thực, thực phẩm cho bà con không phân biệt tôn giáo; Ban Bác Ái Giáo xứ Lộ 20 đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân phường An Hòa, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ trao 400 phần quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trong thực hiện giãn cách xã hội và khu vực phong tỏa vì đại dịch Covid-19; Linh mục Vũ Văn Hài, Chính xứ Giáo xứ Rạch Súc quận Bình Thủy phối hợp cùng Ủy Ban Bác ái Xã hội - Caritas Giáo phận Cần Thơ, Hội Dòng Con Đức Mẹ, Dòng Chúa Quan Phòng Cần Thơ hàng ngày giao 900 suất cơm (khoảng 20.000 đồng/suất) cho bà con hoàn cảnh khó khăn, khu phong tỏa thuộc các phường trong quận: Bình Thủy, Ninh Kiều và Cái Răng; Linh mục Nguyễn Thành Đạo, Chính xứ Giáo xứ Bò Ót, Thốt Nốt trao tặng bà con nghèo thuộc phường Thuận An, Thới Thuận, quận Thốt Nốt 12 tấn gạo;...

        Thượng toạ Thích Bình Tâm - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành phố Cần Thơ, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN quận Bình Thuỷ trao tặng 01 tấn rau củ hỗ trợ đến bà con phường Thới An Đông, quận Bình Thuỷ; Đại đức Thích Huệ Minh - Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN quận Bình Thuỷ, Trụ trì Chùa Vạn Linh, phường Bình Thuỷ hỗ trợ 500 phần quà (gồm 02 tấn gạo, 3 tấn rau củ và 140 thùng mì) gửi đến bà con phường Bình Thuỷ đang trong khu vực phong toả và bà con có hoàn cảnh khó khăn đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Đại đức Thích Thiện Hậu, Trụ trì Chùa Giác Thành, quận Ô Môn hỗ trợ bà con phường Trà An, quận Bình Thuỷ, 01 tấn rau củ; Đại đức Thích Minh Dũng, chùa Bửu Liên hỗ trợ: 550kg rau củ và 50 phần quà cho bà con phường An Bình, An Cư, Thới Bình, quận Ninh Kiều; 1.200kg rau củ cho bà con phường Bình Thủy, Long Hòa, Quận Bình Thủy; 700kg rau củ cho bà con phường Hưng Phú, quận Cái Răng; Hỗ trợ chuyến xe yêu thương 120kg rau củ; Tặng Bệnh viện Đa Khoa thành phố Cần Thơ 350kg trái cây; Tặng 40 phần rau củ quả cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. (nguồn VP. BTS GHPGVN TPCT)

        Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố và  áp dụng các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đã thực hiện hai đợt trên phạm vi toàn thành phố, (đợt 1) trong 14 ngày kể từ 00 giờ 00 phút ngày 19/7/2021 đến 00 giờ 00 phút ngày 02/8/2021, (đợt 2) trong 14 ngày kể từ 00 giờ 00 phút ngày 03/8/2021 đến 00 giờ 00 phút ngày 16/8/2021 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố và tổ nhân dân tự quản cách ly với tổ dân phố và tổ nhân dân tự quản; ấp, khu vực cách ly với ấp, khu vực; phường, xã, thị trấn cách ly với phường, xã, thị trấn; quận, huyện cách ly với quận, huyện; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Các tổ chức tôn giáo trên đia bàn thành phố Cần Thơ, đã gửi Thông báo về việc phòng chống dịch Covid - 19 trong tình hình mới, kêu gọi các tín đồ, chức sắc, chức việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế và các ngành chức năng, tạm dừng các hoạt động tôn giáo có tập trung đông tín đồ, tăng cường tổ chức các hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến. Gửi thư kêu gọi tín đồ chia sẻ yêu thương “Chúng ta cảm nhận trong những ngày này, giữa những nhu cầu lương thực không thể thiếu, đã trổi lên như điểm son tình thương, lá lành đùm lá rách… cung cách trao bằng cả con tim, “một miếng khi đói bằng gói khi no”, “tương thân tương ái”, “tình làng nghĩa xóm”,…để lan tỏa yêu thương đến từng nhà, từng người trong dịch bệnh.

        Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố cũng kêu gọi tín đồ, chức sắc, chức việc đóng góp, chia sẻ, tiếp tế lương thực, thực phẩm thiết yếu cho bà con ở thành phố Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” trong lúc khó khăn trong dịch bệnh, đồng thời cũng bày tỏ tâm tình đồng hành với bà con trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” như: Công giáo hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Chính tòa Giáo phận Cần Thơ, đã có đề nghị Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas Cần Thơ, ban hành thư ngỏ đến toàn thể Cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Cần Thơ, kêu gọi các mạnh thường quân và mọi người “Chia sẻ với các khu bị cách ly vì đại dịch Covid-19”, vận động quyên góp chia sẻ với Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 ngày từ ngày 16/7/2021 đến ngày 18/7/2021, thông qua Caritas Cần Thơ đã chia sẻ với Tòa Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn: 2 tấn củ cải muối của Tòa Giám mục Cần Thơ; 40 tấn gạo “Đặc sản Hương Lài” của Giáo phận Cần Thơ; 2 tấn củ cải muối và 500 kg hành tím của Caritas Cần Thơ; Ban Đại diện Phật giáo Hào Hảo thành phố Cần Thơ  1 tấn rau củ;…

        Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân tham gia đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.  Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo thành phố Cần Thơ đã trao số tiền 78 triệu đồng; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ 100 triệu; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam thành phố Cần Thơ 13.260.000 đồng;… đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để ủng hộ công tác phòng chống dịch của thành phố.


        Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, các tổ chức tôn giáo là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là khối đại đoàn kết toàn dân tộc “Đoàn kết - Đoàn kết - Đại đoàn kết” “Thành công - Thành công - Đại thành công”. Tôn giáo ở thành phố Cần Thơ sẽ và đang cùng với dân tộc quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 để đất nước xây dựng - phát triển và tôn giáo được hoạt động trở lại bình thường đáp ứng nhu cầu của hàng triệu tín đồ cả nước./.



[1] Học viện Chính trị Quốc gia, Giáo trình đạo đức học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội (2000)

[2] TS Hoàng Thị Lan, Ảnh hưởng của đạo đức tôn giáo đối với đạo đức xã hội, Nxb Chính trị – hành chính            (2011), tr.10

[3] TS Nguyễn Hữu Vui, Tôn giáo và đạo đức, nhìn từ mặt triết học, tạp chí Triết học, số 4-1993, tr.46

TIN ĐÃ ĐƯA