Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Tin tức Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng

Tìm hiểu ý nghĩa về ngày lễ Phật Đản

Ngày 02/06/2023 15:24 đăng bởi uthau

    Lễ Phật Đản là ngày lễ trọng của Phật giáo trên toàn thế giới, có tên gọi quốc tế là Đại lễ Vesak. Trước đây các nước Đông Á thường tổ chức lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).

    Ngày 28/10/1999, Đại biểu của 34 nước trên thế giới đã đệ trình ý kiến lên Đại hội đồng của Liên hợp quốc. Ngày 12/11/1999 đã được Liên Hợp Quốc thông qua và công nhận ngày lễ Phật đản sẽ là ngày trăng tròn tháng 5 hằng năm. Từ đó quyết định ngày Phật đản sinh, thành đạo, Niết bàn và được công nhận là Đại lễ Vesak là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp.

   Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. 

   Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng) và thực hành ăn chay, giữ Ngũ giới, thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng. 

   Theo truyền thống, Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được Ban Trị sự GHPGVN các tình, thành tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, có sự hiện diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp cùng tham dự và phát biểu chúc mừng.

    Nhân dịp này, Ban Trị sự Giáo hội các quận, huyện và các tự viện thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật... để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau. 

    Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh. Đồng thời các Phật tử còn thực hiện việc từ thiện, tặng quà hoặc phóng sinh,... 

   Ngoài ra, nhân dịp mùa Phật Đản, đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp tổ chức đoàn đến thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp và dân tộc.

   Thông qua các hoạt động này là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”./.

                                                                                  TUH

TIN ĐÃ ĐƯA