Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Tin tức Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT TIN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Ngày 02/01/2018 09:01 đăng bởi vantuan


Ngày 18/11/2016 Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ hai đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa các quy định của  Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 18/12/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Luật tín ngưỡng, tôn giáo có 9 chương, 68 điều, trong đó có một số nội dung mới nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, như:

Một là: Mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “Công dân” thành “Mọi người”, thể hiện đúng bản chất tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013, mà không chỉ là quyền công dân theo Hiến pháp 1992.

Hai là: Bổ sung một chương quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phản ánh rõ hơn phạm vi điều chỉnh Luật, cũng như thề hiện tính nhất quán về chính sách tôn giáo của Nhà  nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Chương này quy định về các nội dung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước Việt Nam công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo Hiến pháp, pháp luật; các nguyên tắc cơ bản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền, nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Ba là: Đăng ký sinh hoạt tôn giáo, nếu như trước đây đăng ký sinh hoạt tôn giáo được xem là một mốc khởi điểm để bắt đầu hình thành một tổ chức tôn giáo, thì nay Luật chỉ xem sinh hoạt tôn giáo nhằm thoả mãn nhu cầu tôn giáo của người theo tôn giáo nhưng chưa có tổ chức tôn giáo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và đăng ký sinh hoạt tôn giáo xem là một điều kiện để hình thành tổ chức tôn giáo như quy định hiện hành (vì quyền bày tỏ niềm tin tôn giáo của mọi người không phụ thuộc vào tổ chức tôn giáo).  

Bốn là: Một số nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như: công nhận tổ chức tôn giáo, thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc, thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, được thay đổi theo hướng giao cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trả lời tổ chức tôn giáo. Theo quy định Luật Tín ngưỡng tôn giáo thì cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo ở Trung ương tiếp nhận và giải quyết 26 đầu thủ tục; cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo ở cấp Tỉnh tiếp nhận và giải quyết 23 đầu thủ tục; cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo ở cấp huyện tiếp nhận và giải quyết 08 đầu thủ tục; cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo ở cấp xã tiếp nhận và giải quyết 02 đầu thủ tục Việc thay đổi này sẽ giúp cho việc thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi hơn cho hoạt động tôn giáo.

Năm là: Bỏ một số từ ngữ đã được sử dụng tại Pháp lệnh như: tổ chức tôn giáo cơ sở, hội đoàn, dòng tu. Bổ sung từ ngữ tổ chức tôn giáo trực thuộc và xem tổ chức tôn giáo cơ sở, hội đoàn, dòng tu là tổ chức tôn giáo trực thuộc, điều chỉnh như tổ chức tôn giáo trực thuộc. Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi điều chỉnh  của tổ chức tôn giáo trực thuộc còn có các ban, ngành, viện từ Trung ương đến cơ sở của tổ chức tôn giáo.

Sáu là: Về trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, bổ sung làm mới các quy định liên quan đến trường đào tạo tôn giáo bao gồm từ điều kiện thành lập, thẩm quyền chấp thuận đến các nội dung liên quan đến quản lý trường đào tạo.

Bảy là: Bổ sung nội dung phong chức, phong phẩm cho người có quốc tịch nước ngoài hoạt động cho tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Trong xu thế hội nhập và giao lưu Quốc tế hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đến Việt Nam  làm việc, sinh sống, trong đó, có rất nhiều người là tín đồ các tổ chức tôn giáo nước ngoài. Mặt  khác, chức sắc một số tổ chức tôn giáo hoạt động tại Việt Nam cũng đã được các tổ chức tôn giáo nước ngoài phong chức, phong phẩm, vì vậy, việc bổ sung quy định phong chức, phong phẩm cho người nước ngoài hoạt động cho tổ chức tôn giáo ở Việt Nam là phù hợp.

Tám là: Đăng ký hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo hàng năm được thay đổi là chỉ đăng ký, thông báo lần đầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những năm tiếp theo nếu có phát sinh các hoạt động ngoài chương trình đăng ký mới đăng ký, thông báo bổ sung. Việc quy định này nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho cả các cơ quan hành chính nhà nước cũng như cho cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Chín là: Hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, bảo trợ xã hội được mở rộng theo hướng phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tham gia vào hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo.

Mười là: Bổ sung tạo điều kiện cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được vào tu tại cơ sở tôn giáo, được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong chức, phong phẩm,..được tập trung sinh hoạt tôn giáo riêng tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam, được mời chức sắc, nhà tu hành là người Việt Nam hoặc người nước ngoài giảng đạo. Tổ chức tôn giáo Việt Nam được gia nhập các tổ chức tôn giáo quốc tế.

Mười một là: Một số nội dung hoạt động chỉ cần thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thông báo lễ hội định kỳ, thông báo hoạt động của cơ sở đào tạo, thông báo tuyển sinh, thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành, thông báo hội nghị thường niên, thông báo quyên góp,..Đây cũng là quy định mới phù hợp với xu hướng hiện nay nhằm hạn chế sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào công việc nội bộ của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

Mười hai là: Phân định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ ngành, UBND, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

                                                                                                    

TIN ĐÃ ĐƯA