Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Tin tức Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng

Ý nghĩa và nét đẹp của việc đi bình Bát (Khất thực) của tu sĩ Phật giáo

Ngày 09/05/2023 13:23 đăng bởi uthau


     Các vị chư tăng đang làm nghi thức chuẩn bị đặt bát hội Học viện

    Hầu hết chúng ta chỉ nghĩ rằng Khất thực như là xin ăn bình thường. Thế nhưng, đó còn là phương cách có thể đem lại nhiều lợi lạc thiết thực cho vị tu sĩ cũng như những ai cúng dường nếu được hành trì đúng mục đích. Ta có thể tìm hiểu ý nghĩa và vẻ đẹp của việc các tu sĩ Phật giáo đi khất thực:

    1. Ý nghĩa về Khất thực

    Khất thực có nghĩa là xin ăn. Đó là cách nuôi thân một cách chân chính do Phật dạy cho những đệ tử xuất gia. Đó là thực hành chính mạng thanh tịnh. Họ sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác.

   Đi Khất thực còn gọi là đi bình bát hay trì bát. Sở hữu của họ không có gì ngoài ba chiếc Y và một cái bình Bát. Chữ Bát có nghĩa là đồ dùng để chứa đựng các thực phẩm chỉ đủ vừa sức ăn cho một người. Bình bát là loại bình được làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung hoặc bằng kẽm, I-nox.

   Thời gian: Chuyến đi khất thực bao giờ cũng diễn ra vào buổi sáng khoảng từ 8 giờ đến trước 11 giờ về lại chùa để cùng nhau cử hành nghi thức và thọ thực trước 12 giờ trưa. Chư Tăng Nam tông chỉ ăn ngày một bữa trưa hay còn gọi là ăn Ngọ, đây là bữa ăn chính, sau đó không ăn gì nữa.

   Hình thức đi Khất thực: Các Tỳ kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà. Khi đi vị tu sĩ không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện.

   Thức ăn: Các thí chủ chỉ cúng dường những thức ăn đã được nấu sẵn. Ngoài những thực phẩm nấu chín, các thí chủ ngày nay còn cúng dường những thứ như tiền bạc hay các vật dụng khác.

     2. Lợi ích của việc đi khất thực

     2.1. Lợi ích cho tu sĩ

    Cải thiện sức khỏe: Đi khất thực với tâm không phân biệt thực phẩm là chay hay mặn, ngon hay dở, nhiều hay ít và người dâng cúng thực phẩm đó là ai. Đi khất thực nhằm vận động cơ thể, giúp họ tránh được những bệnh do ngồi nhiều.

    Đoạn trừ tâm kiêu căng ngã mạn: Trong quá trình đi khất thực, chư Tăng đi thành đoàn, ai thọ giới trước đi trước, thứ đệ cung kính nhau, vừa tập được tính khiêm cung, tự mình biết tàm quý, với những bước đi chầm chậm, mắt nhìn thẳng xuống đường không ngó qua lại, khẩu và ý thanh tịnh, thể hiện được sự bình thản, tự tại. 

    Khất thực là biểu trưng cho sự thực hành hạnh xả bỏ bản ngã và thể hiện tấm lòng từ bi hướng đến với mọi người. Đoạn trừ lòng tham, không thể tham ăn ngon và ăn nhiều vì ai cho gì ăn nấy, không thể chọn lựa. Họ có thể tránh xa sự sung sướng thái quá qua việc ăn thực phẩm do người đời cúng dường để vào trong bình bát.

     2.2. Lợi ích cho chúng sinh

    Đi khất thực chính là đi bằng phương pháp thiền hành, với những bước chân nhẹ nhàng, khởi niệm từ tâm, nhất tâm cầu nguyện cho chúng sanh luôn được an vui, được thoát khỏi khổ đau, bệnh tật, oan trái, cũng tức là ban rải phước lành đến với tất cả mọi người.

    Tạo cơ duyên cho người bố thí đoạn trừ lòng tham, tức là tạo phước duyên cho họ. thông qua việc khất thực, chư Tăng đã mang ánh sáng Phật pháp đến cho từng người, để ai cũng có thể tạo lập công đức. Tạo cơ duyên giáo hoá chúng sinh,  mang lại phước báo vô lượng và sẽ mở đường cho việc tu hành giải thoát sau này.  

    Nêu gương sống giản dị làm cho người đời bớt tham đắm của cải. Khi nhìn thấy và cảm nhận sự thanh tịnh trong tâm của các tu sĩ, người đời sẽ chế tác nên năng lượng công đức và phước báo để có thể nuôi lớn tâm vị hành khất.

     3. Khất thực mang tính một lễ hội truyền thống của Phật giáo

     Ngày nay, tại một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam Tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào hình thức Khất thực vẫn khá phổ biến và đã trở thành một lễ hội truyền thống của Phật giáo. Ở Việt Nam, hình ảnh này thường thấy trong cộng đồng người theo Phật giáo Nam tông Khmer ở các tỉnh Tây Nam Bộ.

     Đặc biệt vào ngày 26/4/2023 tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thành phố Cần Thơ diễn ra buổi lễ đặt bát hội cúng dường 2567 chư Tăng, với tham dự của chư Tăng Phật giáo trong nước và Phật giáo Quốc tế đến từ các nước: Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Lào, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka… 

     Đây là lễ đặt bát hội quy mô lớn, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam nói chung và tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng, với sự hiện diện của hơn 3000 chư Tăng tham dự và sự quy tụ của hàng ngàn Phật tử đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã thật sự đem lại một hơi thở mới cho Phật giáo trong giai đoạn hiện nay. Đây là một trong chuỗi chương trình kính mừng Đại lễ Phật Đản (Vesak) Phật lịch 2567 của chư Tăng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer.

    Đại lễ đặt bát hội cúng dường chư Tăng được diễn ra trước khi vào buổi lễ khánh thành Trai đường Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer (là nơi đào tạo kiến thức cho Tăng sinh Khmer ở cấp cử nhân Phật học Pali – Khmer cho sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh thành Nam Bộ).

     Trai đường là một trong các hạng mục công trình xây dựng tổng thể của Học viện, được Trung ương Giáo hội hỗ trợ kinh phí xây dựng 10 tỷ đồng, trải qua hơn 04 năm xây dựng, đến nay Trai đường đã cơ bản hoàn thành như ý nguyện. 

     Tóm lại

    Khất thực là một trong những nghi thức tu tập quan trọng của Tăng già Phật giáo do đức Phật chế ra. Phật dạy đã là một vị Tăng sĩ điều trước tiên phải hành pháp khất thực, Khất thực là pháp căn bổn để duy trì mạng sống Tăng đoàn Phật giáo. Trong Luật Thiện Kiến chép: “Các bậc Thánh nhân trong Tam thừa đều trì bình bát đi khất thực để nuôi dưỡng tự thân”. Đồng thời, gieo trồng những hạt giống phước lành cho hàng Phật tử tại gia.

    Lễ đặt bát hội tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là đại lễ mang tính nhân văn và các giá trị tinh hoa hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, quảng bá hình ảnh của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đến với Phật giáo quốc tế./.

                                                            Út Hậu

TIN ĐÃ ĐƯA