Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Tin tức Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng

Công giáo và an ninh trật tự ở huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ

Ngày 04/01/2021 14:13 đăng bởi thanhtruc

1. Dẫn nhập

Các nhà kinh điển của học thuyết Mác - Lênin xác định, tôn giáo có chức năng điều chỉnh hành vi. Quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam tại các kỳ đại hội, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần XI đã chỉ rõ mục tiêu: “Phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới, đã nhấn mạnh việc phát huy nguồn lực tôn giáo vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Tại cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Đà Nẵng ngày 08/9/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định: “Tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước”.

2. Một số đóng góp cụ thể của Công giáo trong giữ gìn an ninh trật tự ở huyện Vĩnh Thạnh

Công giáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ gồm Giáo phận Cần Thơ và một phần của Giáo phận Long Xuyên với: 77 cơ sở thờ tự, 117 chức sắc, 313 chức việc, 94.519 tín đồ. Trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có 02 giáo hạt thuộc Giáo phận Long Xuyên với 48 xứ, họ đạo, 48 linh mục.

Vĩnh Thạnh được thành lập năm 2004. Ngay những ngày đầu thành lập, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn còn nhiều diễn biến phức tạp; bọn tội phạm lợi dụng địa bàn giáp ranh để thực hiện các hoạt động.

Nhận thức được tính chất phức tạp và xác định vai trò của tín đồ Công giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT); trên cơ sở quán triệt Chỉ thị số 11-CT/BNV (V11) của Bộ Nội vụ (nay là Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28, ngày 19/8/2014 của Bộ Công an về Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào các tôn giáo, Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 27/02/2006 của Thành ủy Cần Thơ về Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, ngay sau khi thành lập, ngày 01/6/2004, Huyện ủy lâm thời huyện Vĩnh Thạnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời kỳ mới trên địa bàn huyện (sau đó sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 15/12/2006).

Được sự đồng thuận cao của chức sắc, chức việc, tín đồ, nhất là các linh mục trong Ủy ban Đoàn kết Công giáo, linh mục hạt trưởng trong huyện, ngày 01/12/2008, Công an huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp với Ban Đoàn kết Công giáo, Giáo hạt Vĩnh Thạnh và Giáo hạt Vĩnh An trong xây dựng mô hình “Xứ đạo, họ đạo 3 không” (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm), 100% xứ đạo, họ đạo đăng ký thực hiện mô hình.

Nội dung mô hình dựa trên các tiêu chí của cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Uỷ ban MTTQ Việt Nam phát động, có bổ sung một số quy định trong giáo luật của Công giáo và nội dung Thư chung năm 1980 của Hội đồng giám mục Việt Nam[1].

Ngay sau khi mô hình được phát động, chức sắc, chức việc và giáo dân nhận thấy đây là việc làm hữu ích, giúp đồng bào sống “tốt đời, đẹp đạo”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”. Trong quá trình triển khai thực hiện định kỳ hằng năm, Công an huyện Vĩnh Thạnh đều phối hợp với Ban Đoàn kết Công giáo, Giáo hạt Vĩnh Thạnh và Giáo hạt Vĩnh An tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm và khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu. Từ năm 2008 đến nay, mô hình “Xứ đạo, họ đạo 3 không” phát huy hiệu quả cao. Mô hình không chỉ dừng lại trong tín đồ Công giáo ở huyện Vĩnh Thạnh mà còn lan tỏa đến đồng bào không theo đạo, đồng bào Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa hảo, Cao Đài ở nhiều quận huyện khác. Hơn thế, mô hình còn phát triển lên đến 5 không, 7 không.

Xuất phát từ quan điểm của Đảng “nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”, Công an huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện nghiên cứu, cải tiến, đổi mới nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp, thiết thực và đi vào chiều sâu như: thông qua sinh hoạt chính trị của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN, các phong trào cách mạng ở địa phương; diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; công tác vận động chức sắc tôn giáo; hệ thống thông tin đại chúng, nhất là đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn, đội ngũ báo cáo viên của tổ chức đảng, tuyên truyền viên các ban ngành, đoàn thể. Nội dung tập trung vào giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, phát huy truyền thống yêu quê hương đất nước của giáo dân trong tham gia phòng ngừa đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy ước về ANTT của chính quyền địa phương, nhất là chính sách đại đoàn kết dân tộc, vấn đề đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên khai thác và phát huy những điểm tương đồng với đạo đức, văn hóa xã hội, thể chế hóa thành các quy định để vận động tín đồ tự giác thực hiện, phân biệt tôn giáo thuần túy với việc lợi dụng tôn giáo; gương mẫu thực hiện tốt những quy định về sinh hoạt tôn giáo; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Cụ thể, trong 10 năm (2008 - 2018) đã tổ chức tuyên truyền trên 1.500 cuộc với 33.525 lượt chức sắc, chức việc, giáo dân tham dự; phối hợp mở 04 lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN cho 420 lượt chức sắc, chức việc; cấp phát trên 2.500 bộ tài liệu tuyên truyền liên quan đến chính sách pháp luật về tôn giáo.

Qua các buổi cầu nguyện, tọa đàm tại nhà thờ, các vị linh mục đã lồng ghép phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kêu gọi giáo dân tự giác chấp hành và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực cùng chính quyền đấu tranh phòng chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội, xóa bỏ mê tín dị đoan, xây dựng “Xứ đạo, họ đạo 3 không”, khuyên răn, giáo dục giáo dân cương quyết không làm bất cứ điều gì trái với giáo luật và pháp luật. Nhiều linh mục trực tiếp cùng chính quyền vận động giáo dân tham gia các đợt bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền các cấp; quản lý giám sát các hoạt động an sinh xã hội; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ giáo dân, giáo dục cảm hóa những đối tượng tiền án, tiền sự, vi phạm pháp luật tại cộng đồng.

Trên cơ sở quy chế phối hợp, lực lượng Công an các cấp chủ động phối hợp các linh mục, các thành viên Hội đồng Mục vụ ở các xứ đạo, họ đạo làm tốt công tác nắm tình hình, thông báo trên 3.000 lượt thông tin về tình hình ANTT, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội cho các xứ đạo, họ đạo; cung cấp cho các linh mục, thành viên Hội đồng Mục vụ trên 160 lượt đối tượng là con em giáo dân vi phạm trật tự xã hội như số đề, đánh bài, đánh nhau, gây rối, trộm cắp, vi phạm ATGT… để phối hợp giáo dục, quản lý. Công an huyện Vĩnh Thạnh tổ chức 02 diễn đàn cấp huyện và 66 diễn đàn cấp xã với hơn 10.400 lượt người tham dự, đóng góp 520 ý kiến (trong đó 100 ý kiến của chức sắc, chức việc, 420 ý kiến của giáo dân), phản ảnh tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, thái độ tác phong của cán bộ chiến sỹ Công an xã, thị trấn trong phục vụ và tiếp xúc với nhân dân. Nhiều sáng kiến được áp dụng như mô hình “cổng rào an ninh trật tự”, mô hình toàn dân tố giác tội phạm qua đường dây nóng, mô hình camera phòng, chống tội phạm,… giúp cho Công an cấp huyện và cấp xã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thấy được những ưu điểm để phát huy, những yếu kém để sửa chữa, thực hiện tốt hơn nữa công tác giữ gìn ANTT, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân.

Giáo dân đồng thuận hưởng ứng, các sinh hoạt tôn giáo đều đảm bảo đúng pháp luật, tích cực tham gia tự quản, tự phòng, mạnh dạn phát hiện cung cấp cho cơ quan chức năng các cấp trên 790 nguồn tin liên quan đến ANTT, giúp lực lượng Công an kịp thời phát hiện 63 vụ với 148 đối tượng, trong đó xác minh làm rõ và xử lý 32 vụ với 68 đối tượng phạm pháp hình sự; triệt phá 211 điểm, xử lý 436 đối tượng đánh bài, số đề; 32 vụ vận chuyển hàng cấm; 07 hộ trồng cần sa; vận động, bắt 23 đối tượng có lệnh truy nã; tham gia quản lý giáo dục tại xã, thị trấn 94 đối tượng (trong đó, 52 đối tượng sửa chữa tiến bộ, số vi phạm tiếp tục lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh bắt buộc 22 đối tượng, hiện đang quản lý giáo dục 20 đối tượng); trích xuất, điều tra nhanh, bắt xử lý 10 đối tượng trộm xe máy, thuốc trừ sâu; thu hồi hàng tỷ đồng trả lại cho người bị hại. Ngoài ra, các linh mục, thành viên Hội đồng Mục vụ ở các xứ đạo, họ đạo còn phối hợp với UBMTTQ, các ban ngành, đoàn thể, các ban hòa giải, tổ hòa giải xã, ấp tham gia giáo dục trên 200 lượt đối tượng vi phạm, giải quyết 215 vụ xích mích mâu thuẫn nhỏ nội bộ giáo dân nhằm hàn gắn tình làng nghĩa xóm, xóa đi điều kiện phát sinh tội phạm[2].

Trên cơ sở Quyết định số 59/QĐ-CATP-PX28 (nay là Quyết định số 99/QĐ-CATP-PV28 ngày 29/01/2015 của Giám đốc Công an Thành phố Cần Thơ, qua xét phân loại từ năm 2008 đến nay có 100% xứ đạo, họ đạo đạt tiêu chuẩn “3 không”.

Gắn với việc xây dựng xứ đạo, họ đạo 3 không, nhiều sáng kiến, mô hình khác cũng được phát huy để đến cuối năm 2018, 9/9 xã trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh được công nhận đạt tiêu chuẩn xã văn hóa và nông thôn mới. Hiện nay, 46/46 ấp đạt ấp văn hóa, trong đó 30/30 ấp của vùng Công giáo được công nhận ấp văn hóa, 100% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 100% hộ gia đình rước ảnh Bác Hồ về thờ tại nhà, 100% xứ đạo, họ đạo có đời sống văn hóa tốt, hiện có 100% các hộ trong xứ đạo đều sử dụng nước sạch, 100% hộ có điện sử dụng và có phương tiện nghe nhìn, 100% các hộ sử dụng điện thoại, 80% hộ dân sử dụng máy vi tính. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ, trong đó những giá trị văn hóa, đạo đức trong tôn giáo được khơi dậy và phát huy.

Từ khi phát động và hoạt động đến nay, mô hình "Xứ đạo, họ đạo 3 không” đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, trở thành một trong những điểm sáng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng nhân rộng và phát triển. Năm 2014, Bộ Công an chỉ đạo và thống nhất tổ chức tổng kết 05 năm thực hiện mô hình “Xứ đạo, họ đạo 3 không”. Qua đó, nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý như Huân chương lao động hạng 2 cho khu dân cư ấp F1; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho Khu dân cư ấp Thầy Ký; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen cho Khu dân cư ấp G1. Bên cạnh đó, Bộ Công an, UBND thành phố, Công an thành phố, UBND huyện cũng tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào.

Hiện nay, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục nâng cấp mô hình “khu dân cư, xã, thị trấn, xứ đạo họ đạo 3 không” thành mô hình 5 không “Không tội phạm, không ma túy, không mại dâm, không tai nạn giao thông nghiêm trọng, không có thanh niên trong độ tuổi trốn nghĩa vụ quân sự” và nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến khác như: mô hình “Xứ đạo, họ đạo 4 không, 5 không, 6 không, 7 không”, “Tổ nhân dân tự quản vững mạnh”, “Gia đình giáo dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Mô hình đã lan tỏa đến các địa phương khác, tôn giáo khác. Quận Thốt Nốt đã áp dụng và triển khai mô hình “4 không”, “9 không” trong những địa bàn có đông đồng bào Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo. Kết quả thực hiện mô hình của quận Thốt nốt năm 2019 ghi nhận: “Công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn đã có chuyển biến rõ nét, phạm pháp hình sự được kiềm chế; các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo chủ động trao đổi và cung cấp cho lực lượng Công an nhiều thông tin hữu ích, có giá trị liên quan đến tình hình hoạt động của các loại tội phạm như: ma túy, hình sự, tệ nạn xã hội,… với 142/193 tin báo, tố giác (chiếm tỷ lệ 73,57%, trong đó, tin có giá trị là 140 tin, chiếm tỷ lệ 99,29%), cụ thể: Phật giáo Hòa Hảo cung cấp 90 tin, Phật giáo 25 tin, Công giáo 18 tin, các tôn giáo khác 9 tin. Kết quả, triệt phá 284 vụ liên quan tội phạm và tệ nạn xã hội, bắt 511 đối tượng đánh bạc dưới mọi hình thức, tệ nạn xã hội, ma túy. Ngoài ra, đã vận động được 04 đối tượng có quyết định truy nã, bắt 08 đối tượng…”[3].

3. Kết luận

Nguồn lực tôn giáo rất đa dạng, rất mạnh mẽ nếu phát huy đúng hướng. Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đang phát huy tốt nguồn lực tôn giáo để phát triển đất nước. Ở Việt Nam, qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận, khẳng định và phát huy giá trị tích cực của tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, ở từng lĩnh vực cụ thể, tôn giáo đã thể hiện và phát huy được một số giá trị cho xã hội, đơn cử như đóng góp của Công giáo trong đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Hiện nay, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt nam là phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước giai đoạn mới. Chủ trương của Đảng đã có, vấn đề đặt ra là cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả tích cực trên thực tiễn./.

                                                                                                            Lê Hùng Yên



[1] Quy chế phối hợp giữa Công an huyện Vĩnh Thạnh với Ban Đoàn kết Công giáo, Giáo hạt Vĩnh Thạnh Giáo hạt Vĩnh An.

[2] Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện mô hình xứ đạo, họ đạo ba không giai đoạn 2008-2018, huyện Vĩnh Thạnh

[3] Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Công an quận Thốt Nốt và các tôn giáo (Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo, Công giáo) trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ngày 10/12/2019.

TIN ĐÃ ĐƯA