Giới thiệu Các nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng của Cần Thơ
Vai trò của chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở thành phố Cần Thơ hiện nay
Ngày 02/01/2021 10:08 đăng bởi lnny
1. Khái
quát
Thành phố
Cần Thơ nằm ở trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với vai trò là thủ phủ Tây Đô thời kỳ trước năm 1975, là
thành phố trung tâm, động lực của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long thời kỳ sau
1975. Các tôn giáo đều muốn phát triển mạnh
tại địa bàn thành phố Cần Thơ, làm tiền đề để phát triển trong khu vực. Nơi đây được các tôn giáo chọn đặt các cơ quan quan
trọng, các cơ sở đào tạo tôn giáo như Tòa Giám mục Cần Thơ, Thánh đức Tổ đình Chiếu minh Tam thanh vô
vi, Đại Chủng Viện Thánh Quý, Học viện Phật
giáo Nam tông Khmer, các trường cao đẳng trung
cấp, sơ cấp Phật học…. Các hoạt động tôn giáo ngày càng phong phú, sôi động, mở
rộng về qui mô, phạm vi, hình thức. Nhiều hoạt động tôn giáo mang tính toàn quốc,
khu vực được tổ chức tại Cần Thơ.
Trên
địa bàn thành phố Cần Thơ có 27 dân tộc thiểu số, cư trú đan xen tại 9/9 quận, huyện, gồm 8792 hộ, 38929 người,
chiếm 3,11% dân số toàn thành phố. Trong đó dân tộc Khmer có 22.705 người, chiếm 1,88%
dân dố thành phố và chiếm 58,3% trên tổng số người dân tộc thiểu số của thành
phố[1].
Người dân thành phố Cần Thơ có đời sống tâm
linh rất đa dạng, phong phú: Thống kê số liệu tôn giáo, tín ngưỡng của thành
phố Cần Thơ[2] hiện có 13/15 tôn giáo đã được công
nhận tổ chức và cho phép hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cơ Đốc
Phục Lâm, Baha’i, Phật đường Nam tông Minh sư đạo, Hồi giáo, Cao Đài, Phật giáo
Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sỹ, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân
Hiếu Nghĩa và 01 Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (7 tôn giáo ngoại
sinh và 6 tôn giáo nội sinh, với 383 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, 503 chức sắc,
1.563 chức việc, với 492.433 tín đồ, chiếm tỷ lệ hơn 40% dân số[3].
Riêng Phật giáo Nam tông có 12 chùa Khmer với 78 vị sư sãi gồm 2 vị Hòa thượng, 6 vị Thượng
tọa, 25 Tỳ khưu, 45 vị sa di[4], 01 Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước với 25 thành viên; Học viện
Phật giáo Nam tông Khmer đặt tại quận Ô Môn có 15 thành viên Ban cố vấn và Hội đồng điều hành; 2 lớp sơ cấp Pali có 16 vị tăng trẻ tham gia, ngoài ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ
thường xuyên có khoảng 50 vị tăng từ các tỉnh, thành lân cận về cư trú để học
tập và sinh hoạt[5].
2. Mối quan hệ giữa Phật giáo Nam Tông với đồng bào dân tộc Khmer
Người Khmer ở Nam bộ là một tộc người thiểu số đông nhất
trong các tộc người thiểu số ở vùng
Tây Nam Bộ, tộc người có trình độ
kinh tế - xã hội phát triển. Người Khmer có nền văn hóa truyền thống độc đáo,
giàu bản sắc, với tính cố kết cộng đồng rất cao, không thích cạnh tranh, quan
niệm sống thiên về tinh thần nhiều hơn vật chất theo một định hướng là để kiếp
sau sớm được giải thoát.
Theo truyền
thống từ xa xưa, qua bao thế hệ, đồng
bào Khmer xem Phật giáo Nam tông là một tôn giáo chính thống trong đời sống tâm
linh và tinh thần. Đa số người Khmer đều là tín đồ Phật tử và cuộc
sống của họ gắn bó mật thiết với các ngôi chùa Khmer. Từ khi
được sinh ra, cả khi sống và khi
chết, cuộc đời mỗi người dân Khmer đều gắn bó chặt chẽ với ngôi chùa. Chùa
Khmer là nơi tu hành vừa là nơi thực hiện các lễ nghi tôn giáo, là trung tâm truyền bá và lưu giữ văn hóa cộng đồng, sinh hoạt xã hội, là nơi thực hiện các cuộc
lễ hội theo phong tục mang tín truyền thống của dân tộc Khmer. Phật giáo Nam tông từ
lâu đã in đậm trong tâm khảm và chi phối mạnh mẽ đời sống tinh thần của các thế
hệ người Khmer. Đối với đồng bào Khmer, triết lý Phật giáo là chân lý, đức Phật
là niềm tin, ngôi chùa là điểm tựa về tinh thần, sư sãi là tấm gương đạo đức.
Vì vậy, mỗi người Khmer được sinh ra đã được xem mình là một người Phật tử.
Thực tế cho
thấy, đời sống tinh thần của đồng bào Khmer luôn gắn chặt với Phật Giáo Nam
tông. Vì vậy chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam với
tộc người Khmer và với tôn giáo Phật Giáo (Hệ phái Nam tông), ở góc độ nào đó
có thể xem là một.
3. Kết quả
triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật ở thành phố Cần Thơ
Đảng và nhà
nước Việt Nam đã có chính sách chung về vấn đề dân tộc, tôn giáo như: Chỉ thị
16/CT (13-5- 1978) của Bộ giáo dục về công tác giáo dục vùng đồng bào Khmer;
Nghị quyết số 24 (16-10-1990) của Bộ chính trị về công tác tôn giáo trong tình
hình mới; Nghị quyết số 69 (21-3- 1991) của Hội đồng Bộ trưởng quy định về các
hoạt động của tôn giáo; …; Các văn kiện đại hội VIII (6-1996), đại hội IX (4
-2001), hội nghị lần thứ 7 khoá IX (1 -2003), đại hội X (4 -2006), Ngoài ra, Chính
phủ còn ra nhiều Nghị quyết, Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc,
như: chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc; chính sách phát
triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo (Chương trình 135); chính sách về hỗ trợ
đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt, nâng cao đời sống của đồng bào
dân tộc thiểu số (Chương trình 134)….
Trong suốt
quá trình phát triển, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách dân tộc
là nhất quán theo nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau
cùng phát triển”. Trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta chú trọng
thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo. Ngoài chính sách chung, Đảng và
Nhà nước rất quan tâm đến chính sách cụ thể đối với vùng đông đồng bào dân tộc,
tôn giáo như Chỉ thị 117-CT-TW (29-9-1981) của Trung ương Đảng về công tác ở
những vùng đồng bào dân tộc Khmer trong những năm trước mắt. Qua 10 năm triển
khai thực hiện chỉ thị 117, Đảng tiếp tục ra Chỉ thị 68-CT/TW (18-4-1991), về
công tác dân tộc ở vùng Khmer.
Thực hiện
chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, thành phố Cần Thơ cũng
ban hành nhiều văn bản[1] cụ thể hóa như: Nghị quyết 08/2017/NQ-HĐND ngày 06/10/2017 “Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người có
uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Cần Thơ”; Nghị
quyết 04/2015/NQ-HĐND ngày 10/07/2015 “Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí mua đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu
số”; Nghị quyết 01/2015/NQ-HĐND ngày 10/07/2015 “Nghị quyết Về hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh
viên dân tộc thiểu số”. Nhiếu Quyết định, Chỉ thị và Kế hoạch khác.
Qua việc thực hiện các chính sách
dân tộc trong năm qua, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào được nâng lên rõ
rệt, tình hình an ninh tôn giáo, an ninh dân tộc được duy trì ổn định.
Đạt được những kết quả nêu trên,
ngoài sự vào cuộc một cách một cách toàn diện, nghiêm túc của cả hệ thống chính
trị ở thành phố Cần Thơ, không thể không kể đến sự đóng góp hiệu quả của các vị
Sư Sãi Nam tông Khmer trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tìm
hiểu, hưởng ứng, chấp hành, đưa chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đi
vào thực tế cuộc sống.
4. Vai trò của chức sắc Phật giáo Nam tông
trong tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật ở thành phố Cần Thơ
Trong giải thích từ ngữ của Luật
Tín ngưỡng, tôn giáo, sư sãi được xem là chức sắc, chức việc của Phật giáo nói
chung[2]. Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của
các vị của sư sãi trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật
của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào dân tộc Khmer, các cấp, các ngành thường
xuyên quan tâm; Các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho
chức sắc, nhà tu hành và người có uy tín trong dân tộc Thiểu số được tổ chức
đều đặn, bằng nhiều hình thức khác nhau: Mỗi năm, Ban Tôn giáo mở 02 Hội nghị,
Ban Dân tộc mở 02 Hội nghị, trung bình mỗi Hội nghị có 200 đại biểu tham dự…
ngoài ra, Ban Tôn giáo còn lồng ghép triển khai trong nội dung các chương trình
có Sư Sãi Nam Tông tham dự như An cư Kiết hạ, bồi dưỡng trụ trì, Lớp trung cấp
Phật học, nội dung chính khóa của Học Viện Phật giáo Nam tông Khmer… Bộ Chỉ huy quân sự thành phố định
kỳ hang năm tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức
quốc phòng cho khoảng 120 vị chức sắc, Ban Quản trị, Achar và Phật tử tiêu biểu,
người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer.
Cũng từ
vai trò, vị trí của Sư Sãi Nam tông Khmer, kết hợp với việc Hiểu biết về chủ
trương, chính sách, pháp luật, nhiều vị sư sãi đã được tín nhiệm, tham gia vào các cơ quan của hệ
thống chính trị ở các cấp như Mặt Trận
Tổ quốc Việt nam, Hội đồng Nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể, Hội liên hiệp thanh niên TPCT, Hội Hữu nghị Việt Nam -
Campuchia, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học..v.v.
Những năm
qua, Sư Sãi Nam tông Khmer ở thành phố cần Thơ luôn phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết dân tộc, có
nhiều thành tích đóng góp trong việc tập hợp, tuyên truyền vận động hướng dẫn
bà con đồng bào dân tộc Khmer chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường
lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; giữ gìn và phát huy truyền thống
bản sắc văn hóa dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết góp phần giữ vững an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đặc biệt vận động bà con đồng
bào dân tộc Khmer hưởng ứng phong trào do chính quyền và mặt trận tổ quốc Việt
Nam phát động như: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh", phong trào "rước ảnh Bác Hồ về nhà" ... bảo vệ môi
trường, xây dựng cơ sở thờ tự văn hóa, văn minh; xây dựng nông thôn mới,
đô thị văn minh. Điển hình một số hoạt động cụ thể:
Khi sinh sống và cư ngụ tại địa phương, thanh niên
Khmer theo truyền thống gắn bó và chịu sự hướng dẫn, dạy dỗ của gia đình và sư
sãi của các chùa nơi cư ngụ. Tuy nhiên trong điều kiện xã hội hiện nay, nhiều
thanh niên Khmer đã rời quê đi khắp nơi để làm việc và học tập, họ tiếp tục tìm
đến các ngôi chùa Khmer thuận lợi nhất để tá túc, để đáp ứng nhu cầu tinh thần,
tâm linh.
Trong tâm thức của người Khmer,
sư cả được coi là người đại diện cho Đức Phật, những lời giáo huấn của ngài
được họ tôn trọng và thực thi một cách nghiêm túc. Mặt khác, trong không gian
trang nghiêm của ngôi chùa, kết hợp với tâm lý sùng kính các vị Sư, Sư Cả
thường vận dụng những giáo lý, giáo luật của Phật giáo về lòng vị tha, thương
người, sống cần làm phước để mong cuộc đời tốt đẹp mai sau, kết hợp với kiến thức pháp luật, nên thường
dễ dàng thuyết phục được phật tử, Khi có những vụ việc tranh chấp, bất hòa, mâu
thuẫn, ..., đồng bào Khmer thường đến chùa nhờ Sư giải quyết và hầu hết các vụ
việc đều được sư sãi đứng ra giải quyết êm đẹp. Qua đó, các vị sư đã đóng góp
tích cực vào việc vận động, hòa giải tại cơ sở, củng cố tinh thần đoàn kết, đảm
bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Khác với các tôn giáo khác, Phật giáo Nam tông Khmer không chỉ đảm nhận chức năng tôn giáo mà còn đảm nhận
các chức năng văn hóa, giáo dục. Sư sãi hầu hết là những người có kiến thức sâu
về văn hóa dân tộc Khmer và thường xuyên có sự quan tâm trong việc bảo tồn và
vận động phật tử chú trọng đến việc dạy và học chữ Khmer, học tiếng Bali cho sư
sãi và con em người Khmer. Trước đây sư sãi chỉ quan tâm học chữ Khmer, ngày
nay phải học cả song ngữ.
5. Một số vấn đề cần quan tâm nhằm phát huy vai trò
của sư sãi Phật giáo Nam tông trong tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật
ở thành phố Cần Thơ
Vai
trò của chức sắc Phật giáo Nam tông trong tuyên truyền chủ trương, chính sách,
pháp luật ở thành phố Cần Thơ đã được thực tế chứng minh. Tuy nhiên để phát huy
tốt hơn vai trò của sư sãi Phật giáo Nam tông đối với xã hội nói chung và đối
với tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật ở thành phố Cần Thơ, cần
quan tâm một số vấn đề:
Một là: Vấn đề tôn giáo và dân tộc luôn là nhạy cảm, phức tạp,
luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng Việt nam. Trong
cộng đồng người Khmer, sư sãi Phật giáo Nam tông được xem là một bộ phận người
trí thức am hiểu nhiều về lĩnh vực dân tộc và tôn giáo. Vì thế, các vị có vai
trò và vị trí quan trọng trong đời sống xã hội cộng đồng người Khmer. Cũng vì
vị thế và vai trò đó, các thế lực thù địch từ trước đến nay thường tìm cách
tranh thủ họ, lợi dụng họ thực hiện các hoạt động chống phá Việt Nam, gây bất
ổn chính trị.
Sự
ảnh hưởng về vai trò sư sãi Phật giáo Nam tông đối với đồng bào Khmer cũng luôn
có hai mặt, mặt tích cực là góp phần làm ổn định xã hội, nhưng mặt tiêu cực
cũng dễ làm phức tạp tình hình. Vì vậy, trong thực hiện chính sách tôn giáo,
dân tộc của Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm chăm lo cho lực lượng sư sãi
Phật giáo Nam tông, đặc biệt là những vị Hòa Thượng cao niên, có uy tín trong
giáo hội và trong phật tử.
Hai là: Học viện Phật giáo Nam tông Khmer sẽ là nơi tập trung
nhiều sư sãi trong và ngoài nước đến cư ngụ, học tập, nghiên cứu và sinh hoạt
tôn giáo, sẽ có nhiều luồng tư tưởng khác nhau, nhiều vấn đề đặt ra cần được
chủ động quan tâm hỗ trợ để Học viện đào tạo ra nhưng vị Sư thật sự có kiến
thức, phục vụ tích cực cho giáo hội và đất nước Việt Nam.
Ba là: Tình trạng thanh thiếu niên đi tu
ngày càng ít như hiện nay có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản nhất là từ kinh tế.
Do vậy, sự trẻ hóa và giảm dần số lượng sư
sãi là một xu hướng đã và sẽ còn tiếp tục diễn ra. Vì vậy chọn lựa lực lượng sư
sãi kế thừa sẽ là vấn đề khó khăn. Giải quyết vấn đề này, chủ công, không ai
khác ngoài lực lượng sư sãi hiện nay, chỉ có sư sãi mới có khả năng chọn lựa,
tuyên truyền, vận động, đưa ra những điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích gia
đình và con em của họ tham gia.
Bốn là: Hội Đoàn kết Sư
sãi yêu nước là tổ chức chính trị xã hội thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Về lâu dài, cần nghiên
cứu đề xuất cơ chế chính sách mang tính toàn diện, thống nhất và bền vững đối
với Hội. Cần được phối hợp tập trung củng cố, phát huy hiệu quả. Hoạt động phải
chịu sự quản lý, hướng dẫn của MTTQ thành phố. Cần có qui chế hoạt động
phù hợp với yêu cầu thực tế đất nước hiện nay, cần được khắc phục việc hoạt
động cầm chừng, không đúng chức năng, nhiệm vụ, chồng lấn với nhiệm vụ của Giáo
hội Phật giáo Việt Nam.
Năm là:
Tiếp tục thực hiện có hiệu Chỉ thị 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính
phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với các vị sư sãi, trụ trì
chùa, phải được thường xuyên quan tâm quản lý, bồi dưỡng, phát huy vai trò tích
cực trong nhận thức và trách nhiệm tuyên truyền vận động đồng bào Khmer chấp
hành và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của
Nhà nước; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chống những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về tinh thần đoàn kết
giữa các dân tộc anh em, về vùng đất Tây Nam bộ… nhằm tạo ra sự đồng thuận của
đồng bào Khmer trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc, giữ
vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
KẾT
LUẬN
Sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer được Phật tử xem như tầng
lớp người trí thức, đại diện cho dân tộc, có vai trò to lớn trong đời sống tinh
thần của đồng bào Khmer. Đối với người
Khmer, các vị sư sãi là nhân vật thiêng liêng “kính Phật, trọng tăng”, “tôn sư,
trọng đạo” có vị trí vai trò rất lớn trong đời sống xã hội của người Khmer,
không chỉ đơn thuần là một nếp sống tôn giáo, mà còn xuất phát từ thực tế đời
sống cộng đồng. Các vị sư sãi luôn là người thầy hay là bổn sư tế độ các vị sư
sãi trẻ và tất cả Phật tử được Quy y tam bảo; được người Khmer tôn kính và tin
tưởng tuyệt đối.
Để thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương
trợ nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; chống kỳ thị,
hẹp hòi, chia rẽ dân tộc. Tập trung phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật
chất và tinh thần; xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và
phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống của dân tộc
Khmer, cần tiếp tục phát huy vai trò của sư sãi, chức sắc Phật giáo nam tông
Khmer nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, triển khai thực hiện chủ trương,
chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước nhằm thúc đẩy nhanh, vững chắc và
bền vững trong cộng đồng người Khmer.
Lê Hùng Yên
- Quá trình ra đời và phát triển của Nam tông Minh sư đạo (21/11/2018)
- GS. Trịnh Xuân Thuận nói về tinh thần khoa học của Phật giáo (13/05/2012)
- Tôn giáo tỉnh Cần Thơ – hiện trạng, xu hướng và một vài vấn đề đặt ra cho công tác quản lý (04/03/2014)
- Phát huy nguồn lực của Phật giáo Việt Nam TP Cần Thơ trong hoạt động xã hội hóa (02/01/2021)