Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Giới thiệu Các nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng của Cần Thơ

Quá trình ra đời và phát triển của Nam tông Minh sư đạo

Ngày 21/11/2018 10:44 đăng bởi vantuan

       Nam tông Minh sư đạo có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam khoảng từ năm 1848 đến năm 1883 tại Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Minh là sáng suốt, thông hiểu, Sư là đạt tới giải thoát. Minh Sư là đạt tới sự thông hiểu đến sáng suốt, giải thoát, trở thành bậc thầy; Minh sư đạo suy tôn Đạt Ma Tổ sư là vị tổ đầu tiên.

       Thời kỳ nhà Thanh, Đông sơ tổ sư (tổ thứ 15) được Y Đạo tổ sư (tổ thứ 14) phái sang Việt Nam truyền đạo. Năm 1863, ông lập ngôi chùa Quảng tế Phật đường ở Hà Tiên. Từ khi lập chùa, Minh Sư đạo phát triển ngày càng nhanh.

       Năm 1920, lão sư Ngô Cẩm Tuyền đã lập Tổ đình Quang Nam Phật đường tại số 17. Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận I, Sài Gòn. Trước năm 1975. Minh Sư đạo thành lập được 50 Phật đường từ Bắc đến Nam, gồm ba tông phái;

         Phái Đức Tế; Tổ đình ở Quang Nam Phật đường số 17, phố Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, Sài Gòn và có các chùa. Nam Nhã Phật đường ở Cần Thơ; Mỹ Nam Phật đường, Vạn Bửu Phật đường ở Tiên Giang; Nam Tông Phật đường ở Quảng Nam, Hòa Nam Phật đường ở Đà Nẵng

      Phái Phổ Tế; Tổ đình tại Linh Quang tự ở huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn và các chùa Phổ Hòn Phật đường ở Mỹ Tho, Tiền Giang.

        Phái Hoằng Tế; Tổ đình tại Long Hoa Phật đường ở Cai lậy, Tiền Giang và các chùa Quang Âm Phật đường, Trọng Vân Phật đường ở Long An.

       Năm 1920, Minh Sư đạo thành lập tổ chức Giáo hội, có giáo lý, giáo luật. hệ thống tổ chức ở Trung ương là Ban Trị sự Trung ương giáo hội, ở các tỉnh, thành phố có tỉnh hội, ở cơ sở có Phật đường với hàng vạn tu sĩ, tín đồ.

      Chức sắc, tu sĩ tín đồ Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo sớm có tinh thần yêu nước, hoạt động đạo gắn bó với dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều Phật đường Minh Sư đạo là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, nhiều vị trụ trì Phật đường của Minh sư đạo đã tích cực vận động tu sĩ, tín đồ tham gia các hoạt động yêu nước, như truyền bá thơ văn yêu nước, làm liên lạc.

        Sau năm 1975, Minh Sư đạo không còn duy trì tổ chức giáo hội. Các Phật đường cơ sở vẫn hoạt động bình thường, ổn định tại địa phương. Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư đạo được Nhà nước cấp đăng ký hoạt động tôn giáo ngày 17/8/2007 và công nhận hoạt động ngày 01/10/2008[1]

          Thời kỳ đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tu sĩ, tín đồ Minh Sư đạo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, tích cực tham gia phong trào cách mạng ở địa phương, hăng hái hoạt động từ thiện nhân đạo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, chữa bệnh, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí..[2]

     Hiên nay, Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo có khoảng 11.000 tín đồ, 300 chức sắc, 1.262 chức việc, 53 Phật Đường tập trung ở 18 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Kiên Giang và Cần Thơ. Tổ đình của Minh Sư đạo đặt tại Quang Nam Phật Đường, số 17 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. 



       Tại thành phố Cần Thơ, Phật đường Nam Tông Minh sư đạo có khoảng 150 tín đồ, 25 chức sắc, 18 chức việc và 02 cơ sở thờ tự là Huệ Nam Phật đường tại số 59/2A đường Đề Thám, phường An Cư, quận Ninh Kiếu và chùa Nam Nhã Phật đường, tại số 612 đường Cách Mạng Tháng Tám , phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy [3].
     Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Nam Nhã Phật đường là cơ sở liên lạc của cách mạng và là nơi nuôi giấu cán bộ,…Đại lão sư Nguyễn Giác Nguyên trụ trì chùa Nam Nhã Phật đường được tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Ngày 25 tháng 01 năm 1991, chùa Nam Nhã Đường được Bộ Văn hóa thông tin, công nhận là Di tích lịch sử cách mạng. Quá trình phát triển ở Cần Thơ, Phật đường Nam Tông Minh sự đạo. luôn đề cao việc hướng dẫn bổn đạo nhơn sanh tu hành, tự độ độ tha, góp phần phục vụ dân tộc và có nhiều hoạt động xã hội đóng góp phát triển thành phố như: hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội, cứu trợ thiên tai,…mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tham gia hưởng ứng các phong trào do MTTQ phát động: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”; “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”;…
        Ngày nay, chùa Nam Nhã Phật đường là nơi sinh hoạt tôn giáo của tín đồ đạo Minh sư đạo, lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cho nhân dân và là một trong những điểm du lịch nổi tiếng, được nhiều du khách biết đến, hàng năm có hàng ngàn lượt du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng.
        Bên cạnh, những mặt đạt được trong ổn định và duy trì hoạt động tôn giáo của Phật đường Nam Tông Minh sự đạo tại Cần Thơ, thời gian tới cần phải quan tâm trong việc vận động tuyên truyền chức sắc, chức việc, tu sĩ và tín đồ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tăng cường tham gia các phong trào an sinh xã hội. Ban Trị sự Trung ương giáo hội, cần đẩy mạnh việc quản lý, đào tạo chức sắc, phát triển tín đồ. Các ngành chức năng của thành phố cần sớm triển khai và thực hiện dự án mỡ rộng di tích lịch sử chùa Nam Nhã Đường, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ và góp phần phát triển du lịch của thành phố./.


                                                                                                                                                                               TVP

 

Tài liệu tham khảo.

[1] Hỏi và đáp về tín ngưỡng, tôn giáo, PGS.TS. Nguyễn Bá Dương;

[2] Bài viết: Giới thiệu về Ngũ chi Minh đạo và Minh sư đạo tại Việt Nam, Nguyễn Ngọc Huấn, Chuyên viên Vụ Cao đài, Ban Tôn giáo Chính Phủ;

[3] Thống kê số liệu tôn giáo năm 2018, Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ;