Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Giới thiệu Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng

11. Di tích Lịch sử văn hóa Hiệp Thiên cung

Ngày 24/03/2014 08:21 đăng bởi nguyenkiet

     

      Hiệp Thiên cung, tọa lạc tại trung tâm chợ Cái Răng - số 29, đường Hàm Nghi, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ công nhận Di tích Lịch sử văn hóa năm 2009 ( Quyết định số 3962/QĐ-UBND, ngày 31/12/2009)       

     Khoảng đầu thế kỷ XIX - nhiều người Hoa từ Trung Quốc di dân sang Việt Nam để kiếm sống, trong số đó có một nhóm người gồm: Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam và Sùng Chính (Hẹ) về làm ăn sinh sống tại vùng đất Cái Răng thuộc xã Thường Thạnh, huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên. Sau đó đổi thành hạt Sa Đét, rồi tổng Định Bảo hạt Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, rồi đổi Phong Dinh, Cần Thơ, Hậu Giang và nay là thành phố Cần Thơ

      Bà con người Hoa ban đầu làm nghề nông và buôn bán nông sản, tạp hóa. Có thể nói,thời điểm này giao thông chủ yếu bằng đường thủy, nên chợ Cái Răng (chợ cặp ven sông Cần Thơ) là trung tâm của vùng, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh trong khu vực và Sài Gòn – Gia Định

      Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng “Sanh Ý Hưng Long – Hạp Gia Bình An”, cộng đồng người Hoa lập nên ngôi miếu nhỏ thờ Quan Thánh Đế tại trung tâm chợ Cái Răng để phù hộ cho bà con sản xuất được mùa, mua mau bán đắt, gia đạo bình an. Đồng thời dùng làm nơi sinh hoạt, hội họp, tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Năm 1856, bà con tu sửa, xây mới mở rộng hình thành ngôi miếu lớn hơn và đặt tên “Quan Công Miếu”. Đến năm 1904, trùng tu lại, đưa 3 vị Đức Thánh vào thờ: ông Quan Công, ông Phước Đức, bà Thiên Hậu và đổi tên thành “Hiệp Thiên Cung”, còn có tên gọi khác là Chùa Ông.

      Năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Chiến tranh diễn ra ác liệt. Từ năm 1946, nhiều bà con người Hoa khu vực này đều phải di tản, ngôi chùa bị bỏ hoang. Năm 1954, hòa bình lập lại bà con người Hoa trở về và cùng nhau tu tạo, sơn sửa lại. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1989, Ban quản trị chùa Hiệp Thiên Cung cho trùng tu toàn bộ ngôi Chùa cho đến ngày nay.

      Ban đầu, Chùa có Ban quản lý gồm những người đứng đầu 5 Bang hội của người Hoa. Đó là những người có uy tín, có khả năng tài chính. Họ luân phiên nhau làm Trưởng ban điều hành hằng năm - phụ trách quản lý về tài chính, và duy trì các tổ chức lễ hội của Chùa. Khoảng năm 1856, Ban trực sự gồm có các ông : Ứng Trường Xuân, Trương Cẩm Hưng, Trịnh Tam Lý, Lê Tấn Cường.

      Hiện nay, tại Cái Răng không còn đủ 5 Bang hội như xưa. Bà con chọn những người có uy tín đề cử và bầu vào Ban quản trị Chùa gồm 15 người - 1 Hội trưởng, 2 phó Hội trưởng, 1 chánh văn phòng kiêm tài chính, 2 thư ký (1 Việt, 1 Hoa) và 1 người phụ trách tổng vụ điều hành chung các hoạt động, lễ hội của Chùa, những người còn lại đều là ủy viên của Ban. Nhiệm kỳ Ban quản trị là 5 năm.

      Những nét kiến trúc - điêu khắc độc đáo: Chùa được xây dựng theo hình chữ “Quốc” với các dãy nhà khép kín vuông góc với nhau, ở giữa chùa một khoảng không gian trống gọi là sân thiên tỉnh, trục giữa được kết cấu tính từ ngoài vào gồm 7 gian. Nhìn toàn cảnh từ bên ngoài ta thấy sân chùa có trang thờ ông Thiên với cây cột cao khoảng 10 mét có từ 100 năm nay, mặt tiền có một dãy nhà ngang tạo thành cổng chính và 2 cổng phụ hai bên, trên nóc chùa chạm cẩn hình lưỡng Thanh Long Tranh Châu; 2 dãy nhà dọc, nằm bên trái là đông lang, nằm bên phải là tây lang dùng được chia ra làm 6 phòng dùng làm nơi tiếp khách và nơi ở của người quản lý trông coi chùa.

      Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ 12 bức hoành phi được chạm khắc 2,3 lớp rất tinh xảo. Một số bức tiêu biểu như : Bức treo trước mặt chính điện là “Nghĩa Bỉnh Càn Khôn” – ý nghĩa, nêu chí nghĩa dũng để lại trần gian, được làm từ năm 1885; Bức thứ 2, treo phía trên điện thờ Quan Thánh Đế Quân “Khí Tráng Sơn Hà” – ý nghĩa, nói lên khí thế anh hùng vang vội cả núi sông. Bức này làm từ năm 1973; Bức thứ 3, “Nghĩa Quan Thiên Thu” – ý nghĩa, nói lên khí thế để lại ngàn thu. Làm từ năm 1886; Bức thứ 4, “Thiên Cổ Nhất Nhân” – ý nghĩa, nêu từ ngàn xưa chỉ có một người. Bức này làm từ năm 1886.

      Hiện nay, chùa Hiệp Thiên Cung – Cái Răng là một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa của nhân dân địa phương, là một điểm tựa tinh thần, nơi hội họp sinh hoạt tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau và là nơi vui chơi giải trí... Bà con trong khu vực không phân biệt người Hoa hay người Việt đều đến cúng viếng chùa, đóng góp nhiều tiền của để góp phần tổ chức các hoạt động lễ hội trong năm và tu bổ sơn sửa lại chùa.

     Chùa Hiệp Thiên Cung – Cái Răng còn là một địa chỉ quan trọng đối với những người làm công tác nghiên cứu văn hóa lịch sử, là một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước - xứng đáng được công nhận là một di tích lịch sử - văn hóa.


                            Nguyễn Thanh Kiệt