Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Giới thiệu Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình thần Vĩnh Trinh

Ngày 03/12/2018 09:25 đăng bởi quocviet

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình thần Vĩnh Trinh

 

 Đình thần Vĩnh Trinh toạ lạc tại ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ), ngày 11/4/2018, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 902/QĐ-UBND xếp hạng Đình Vĩnh Trinh là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

 Đình thần Vĩnh Trinh được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XIX, là công trình mang đậm giá trị kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của miền Tây Nam Bộ, với những mảng chạm, những họa tiết trang trí, khắc gỗ tinh tế và sinh động; được vua Tự Đức  - năm thứ 5 - 1851 (năm Nhâm Tý) sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng và được xây dựng năm 1852 tại Vàm Ngã Tắc. Đến đầu thế kỷ XX, để có mặt bằng rộng rãi tổ chức lễ hội và thuận tiện cho bà con đến chiêm bái, các vị bô lão, Hương chức, Hội tề họp bàn bạc và quyết định dời Đình về xây dựng trên diện tích đất do ông Nguyễn Thiện Tích, Hương Cả của làng bấy giờ hiến tặng (là vị trí Đình tọa lạc hiện nay, thuộc ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ), cách ngôi đình cũ khoảng 01 km và được trùng tu vào năm 1963.

Ngôi Đình được thiết kế xây dựng theo lối kiến trúc cổ, hình chữ nhất bcục gồm các hạng mục xây liền kề nối tiếp với nhau là Võ ca, Nhà cầu, Chính điện, Hậu điện và Nhà khói, tạo thành quần thể kiến trúc đẹp, đây là một trong những công trình có kiến trúc đẹp, còn khá nguyên vẹn với hệ thống kết cấu chủ yếu bằng gỗ. Trãi qua thời gian tồn tại, đến nay Đình Vĩnh Trinh vẫn còn bảo lưu được những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của miền Tây Nam Bộ. Các hoạ tiết trên cột, mãng chạm và các bức hoành phi được chạm khắc tinh tế và sinh động, chủ yếu là Tứ linh: Long – Lân – Quy – Phụng. Bên cạnh vẻ đẹp về kiến trúc, Đình Vĩnh Trinh còn là nơi bảo lưu các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học như: bản sắc phong, các linh vị, hoành phi, chân đèn, bát bửu...

Đình thờ “Thành Hoàng Bổn Cảnh” và những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập nên làng xã, mở mang cơ nghiệp cho làng xóm; chiến sĩ hy sinh vì đất nước; những vị tổ sư dạy nghề cho dân làng… Hàng năm, Ban Tế Tự Đình cùng nhân dân địa phương tổ chức lễ Hạ điền diễn ra trong 3 ngày từ ngày 16 – 18/7 (âm lịch), lễ Thượng điền vào ngày 27 và 28/11 (âm lịch) rất long trọng, đậm bản sắc truyền thống với Lễ cúng Thần Nông, Tiền Hiền, Đông Hiến, Tây Hiến, Chánh tế…với ý nghĩa là cầu cho mưa thuận gió hòa, dân cư được ấm no hạnh phúc; tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, những người có công với dân, với nước. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động vui chơi giải trí phục vụ bà con như hội thi chim hót, trò chơi dân gian, Liên hoan Đờn ca tài tử huyện Vĩnh Thạnh…                                                                                                                                                                Quốc Việt