Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Giới thiệu Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng

4. Chùa Hội Linh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia

Ngày 04/03/2014 10:03 đăng bởi uthau

 
     Chùa Hội Linh, còn có tên gọi khác Hội Linh Cổ Tự, thuộc hệ phái Bắc tông - tọa lạc tại số 314/36 đường Cách mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận chùa Hội Linh là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.

1. Tên dí tích: Chùa Hội Linh (Hội Linh Cổ Tự)

2. Loại công trình: Chùa

3. Loại di tích: Di tích kiến trúc nghệ thuật

4. Quyết định: Đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 74/QĐBT/1993, ngày 21/06/1993

5. Địa chỉ di tích: Số 314/36 đường Cách mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

6. Tóm lược thông tin về di tích:

Chùa Hội Linh, còn có tên gọi khác Hội Linh Cổ Tự, thuộc hệ phái Bắc tông - tọa lạc trên diện tích 6.500m2 tại số 314/36 đường Cách mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Chùa Hội Linh được khởi lập vào ngày rằm tháng hai năm Đinh Mùi – 1907, theo dòng Thiền Tông Lâm Tế. Chùa do một gia đình phật tử - ông Phạm Văn Bường (pháp danh Thông Lý) và bà Nguyễn Thị Tám (pháp danh Thông Ngọc) cúng dường đất cho Hòa thượng Thích Khánh Hưng, thế danh Quý Thanh Hương đứng ra trông coi xây cất.

 

 

Ban đầu chùa được cất đơn sơ bằng cột cây, vách và mái lợp lá, cửa chùa quay ra hướng sông Hậu, đặt tên “Hội Long Tự”. Vì chùa nằm ở ngọn một con rạch nhỏ, nên còn có tên là chùa Xẽo Cạn. Chùa tọa lạc trên diện tích gần 1ha thuộc thôn Thái Bình, tổng Định Bảo (năm 1958 đổi lại thành xã An Bình, tổng Định An, quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh; năm 1968 đổi thành phường An Thới, tỉnh Cần Thơ; sau ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất thuộc phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang; năm 1992 được đổi lại phường An Thới, thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ, nay là phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ).

Sau khi Hòa thượng Thích Khánh Hưng viên tịch vào năm 1914 thì Hòa thượng Thích Hoằng Đạo, thế danh Võ Văn Nhuận thay thế cho đến năm 1922 thì viên tịch. Tại chùa còn lưu hai bảng gỗ khắc công đức của 75 thiện nam, tín nữ phật tử đồng hỷ cúng xây cất mới ngôi chùa bằng vật liệu kiên cố - tường gạch mái lợp ngói, đổi tên chùa thành Hội Linh Cổ Tự.

Năm 1944, Thượng tọa Thích Pháp Thân, thế danh Dương Văn Đề sinh năm Quí Mão - 1903, thay thế trụ trì chùa cho đến ngày 18 tháng 8 năm 1970. Hòa thượng Thích Pháp Thân (được tấn phong ngày mùng 4 tháng 8 năm 1967 và được Giáo hội Phật giáo tỉnh Phong Dinh bấy giờ suy tôn Hòa thượng chứng minh của Giáo hội) đã hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước thọ thế 68 tuổi. Sau khi Hòa thượng Thích Pháp Thân viên tịch, Sư đệ của Hòa thượng là Hòa thượng Thích Pháp Hiện, thế danh Huỳnh Văn Đức sinh năm Đinh Mùi – 1907 (thọ thế 81 tuổi) thay trụ trì chùa Hội Linh hai năm (1970 – 1972) chuyển sang tu nơi khác.

Năm 1972, Thượng tọa Thích Chơn Đức (đệ tử Hòa thượng Thích Pháp Thân) thế danh Phan Văn Bảy, sinh năm Ất Sửu – 1925, nguyên quán Long Tuyền, Bình Thủy, Cần Thơ, thay sư thúc của mình giữ chức trụ trì chùa, đến năm 1998 Thượng tọa Chơn Đức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Hòa thượng và tiếp tục trụ trì chùa cho đến cuối năm 2005, vì tuổi cao sức yếu, Hòa thượng Chơn Đức đã viên tịch vào năm 2011 và giao trách nhiệm cho Thượng tọa Thích Thiện Pháp thay Hòa thượng điều hành hoạt động phật sự tại chùa Hội Linh cho đến nay.

Sự hình thành và tồn tại của chùa Hội Linh trong khoảng hơn 100 năm gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Cần Thơ nói riêng. Từ năm 1941, chùa Hội Linh đã trở thành một cơ sở bí mật của cách mạng. Các Hòa thượng, tăng ni và bà con phật tử trong vùng che chở, đùm bọc, nuôi chứa nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng như Nguyễn Hoàng Lương, Lâm Hồng Quang, Thiều Quang Thể, Nguyễn Kim Hạnh, Trương Văn Biên... hoạt động nội thành từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến hết 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Năm 1946, để bảo vệ cơ sở cách mạng tại đây, Hòa thượng Thích Pháp Thân đã quyết định đốt một phần ngôi chánh điện. Sự hy sinh của nhà chùa thể hiện tinh thần yêu nước, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng, của các vị Hòa thượng, các tăng ni rất cao.

Sau hiệp định Genève, chùa Hội Linh vẫn tiếp tục là cơ sở cách mạng vững chắc và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ cách mạng bám trụ hoạt động. Chùa là địa điểm bí mật tổ chức nhiều cuộc họp triển khai đường lối chủ trương chính sách của cách mạng và nội dung hình thức đấu tranh công khai với địch. Từ cơ sở chùa Hội Linh đã tổ chức 13 hội, nghiệp đoàn như: Hội truyền bá quốc ngữ, hội tương tế... nghiệp đoàn giáo chức, nghiệp đoàn xe lôi, nghiệp đoàn nông dân, nghiệp đoàn phụ nữ mua gánh bán bưng...

Địch nghi chùa Hội Linh là cơ sở “Việt cộng nằm vùng”, từng cho một trung đội lính đến bao vây nhà chùa. Không tìm ra tang vật chứng, địch bắt Hòa thượng Thích Pháp Thân cùng với 6 vị tăng và 6 phật tử giam giữ điều tra ở nhà tù Phú Lợi hết 3 năm. Bọn ngụy quyền đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn rất dã man nhưng Hòa thượng Pháp Thân và các chư tăng, phật tử đều giữ vững khí tiết một lòng kiên trung với cách mạng. Cơ sở cách mạng tại chùa Hội Linh vẫn được an toàn và tiếp tục nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng cho đến ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Trong thời gian chống Mỹ, nhà chùa còn công khai tiếp đón, giúp đỡ, lo chu đáo về chỗ ăn chỗ ở cho hơn 200 gia đình thân nhân hằng tuần từ các nơi về đây thăm chồng con em là cán bộ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam tại trại tù binh Lộ Tẻ.

Với những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của chùa Hội Linh, Nhà nước đã trao tặng cho nhà chùa, các vị hòa thượng trụ trì và bà con phật tử chung quanh chùa Hội Linh nhiều giấy khen, bằng khen và huân, huy chương cao quý. Đặc biệt, đã công nhận liệt sĩ Dương Văn Đề (tức Hòa thượng Thích Pháp Thân) đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất cho chùa Hội Linh.

Bộ Văn hóa Thông Tin có quyết định số 774/QĐBT/1993 ngày 21/6/1993 công nhận chùa Hội Linh là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2005, Nhà nước đã đầu tư ngân sách tu bổ sửa chữa lại toàn bộ ngôi chùa, hoàn thành vào cuối năm 2006.

Một số hình ảnh về chùa: