Giới thiệu Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng
6. Di tích Lịch sử văn hóa đình thần Thới An
Ngày 04/03/2014 10:53 đăng bởi nguyenkiet
Đình Thới An, tọa lạc tại khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố (Quyết định số: 3446/QĐ-UBND ngày 15/11/2004)
Đình Thới An được xây dựng từ năm 1832 (Nhâm Thìn). Lúc đầu Đình được người dân địa phương dựng lên với quy mô nhỏ, bằng cây, tre, lá để thờ thần. Đến năm 1852 vua Tự Đức phê sắc phong cho Đình làng Thới An là "Bổn cảnh thành hoàng", thờ các bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập nên làng xã, mở mang cơ nghiệp cho làng xóm ngày càng trù phú. Ngoài ra, Đình còn thờ những vị anh hùng hy sinh bảo vêh đất nước, thờ những vị tổ sư dạy nghề cho dân làng. Từ khi Đình được sắc phong, dân làng đã chọn địa điểm và chung sức xây dựng ngôi Đình mới khang trang cách ngôi đình cũ 1km. Đó cũng là Đình Thới An ngày nay, tọa lạc tại khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Đình Thới An là trụ sở của Ủy ban kháng chiến hành chính lâm thời huyện Ô Môn. Hàng năm, người dân Thới An đều tổ chức hai kỳ lễ hội: Thượng Điền và Hạ Điền, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cư dân ấm no hạnh phúc. Đây cũng là dịp để mọi người tưởng nhớ đến các bậc anh hùng, liệt sĩ, những người có công với đất nước. Đình Thới An là một trong những ngôi Đình cổ kính chứa đựng nhiều giá trị văn hóa.
Lễ kỳ yên Thượng điền diễn ra vào 16/4 âm lịch hàng năm, đây là chánh lễ của Đình. Gồm có hát chầu và các nghi thức cúng lễ tại Đình. Vào mỗi dịp lễ Đình phát hành hơn 2.000 thiệp mời, ngoài ra còn phối hợp với một số Đình bạn như: Phong Hòa, Bù Hút... trong tổ chức nghi thức lễ. Không chỉ có các trò chơi dân gian truyền thống được nhắc lại vào dịp lễ đình mà theo đó những trò chơi mới lạ cũng dần đáp ứng thị hiếu và thu hút khách đến tham quan, vui chơi giải trí.
Tương tự như lễ kỳ yên Thượng Điền, lễ kỳ yên Hạ Điền diễn ra vào ngày 16/12 âm lịch. Điểm khác biệt của Đình Thới An là Đình có lối kiến trúc 3 giang 5 nóc, so với những đình khác thông thường chỉ 3 giang 3 nóc. Giang chánh để thờ Bổn cảnh Thành hoàng; Giang nhì để thờ Trăm quan cựu thần; Giang ngoài còn gọi là Võ qui, để hội họp. Phía trước Đình (đối diện cửa chính) gọi là Võ ca để hát chầu.
Nguyễn Thanh Kiệt
- 5. Di tích kiến trúc nghệ thuật Quảng Triệu Hội quán (24/03/2014)
- 11. Di tích Lịch sử văn hóa Hiệp Thiên cung (24/03/2014)
- 9. Di tích Lịch sử văn hóa Linh Sơn Cổ miếu (24/03/2014)
- 10. Di tích lịch sử văn hóa đình Thường Thạnh (24/03/2014)
- Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thới Bình (05/12/2018)
- 4. Chùa Hội Linh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (04/03/2014)
- 1. Di tích lịch sử đình Bình Thủy (04/03/2014)
- 2. Di tích lịch sử Nam Nhã đường (04/03/2014)
- 12. Di tích lịch sử Giàn Gừa (04/03/2014)
- 8. Di tích Lịch sử văn hóa đình thần Thuận Hưng (04/03/2014)
- Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình thần Vĩnh Trinh (03/12/2018)
- 3. Chùa Long Quang được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (03/03/2014)