Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Chuyên đề Thực hiện- Nghị quyết Trung ương

Vấn đề tôn giáo trong sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Ngày 19/04/2019 08:41 đăng bởi vantuan


 

(Phần lý luận trùng ý nhiều bài đã viết !, Có thể viết theo hướng: tôn giáo trong bức tranh đại đoàn kết ở thành phố Cần Thơ)

Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì phải đoàn kết được toàn dân, trong đó có vai trò rất quan trọng của đồng bào tôn giáo. Giải quyết tốt vấn đề tôn giáo sẽ tạo tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu đại đoàn kết dân tộc.

Trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, vấn đề này tiếp tục được khẳng định theo hướng phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo để thực hiện đoàn kết lương - giáo. Qua đó cho thấy, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng việc giải quyết vấn đề tôn giáo, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong thời kỳ mới.

Vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo được đề cập ở 4 nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. Điều này cho thấy, Đảng ta xác định tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, với tinh thần tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Việc tiếp tục thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo cũng như tương thích với luật pháp quốc tế trong điều kiện mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng; Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại kỳ họp thứ 2 ngày 18/11/2016; Chủ tịch nước ký Lệnh số 12/2016/L-CTN ngày 01/12/2016 công bố Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện sự thống nhất trong việc thực hiện các chủ trưởng của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo.

Về vấn đề đại đoàn kết dân tộc, quan điểm của Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, Đảng ta tiếp tục xác định và coi trọng đại đoàn kết dân tộc, coi đây là đường lối chiến lược của cách mạng và là động lực, nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới. Có như vậy thì chủ trương tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng mới thực sự đi vào thực tiễn, góp phần tập hợp, đoàn kết đông đảo đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ hai: Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo.

Tín ngưỡng, tôn giáo không đơn thuần chỉ là vấn đề đời sống tâm linh, tinh thần, mà còn là vấn đề văn hóa, đạo đức, lối sống. Trên tinh thần đó, Đảng ta coi tôn giáo là một thành tố của văn hóa, có những giá trị mà công cuộc xây dựng xã hội mới có thể tiếp thu. Hơn nữa, mọi tôn giáo chân chính đều răn dạy tín đồ hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Đó chính là điểm tương đồng giữa tôn giáo với công cuộc đổi mới của đất nước. “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”, để đoàn kết được tất cả các thành phần, giai cấp trong xã hội nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng vào khối đại đoàn kết dân tộc. “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”; “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam…,tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Như vậy, Đảng ta xác định, để đoàn kết được toàn dân tộc thì cần chú trọng phát huy những điểm tương đồng, để đoàn kết được tất cả đồng bào và chức sắc tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ ba: Quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật.

Đảng, Nhà nước ta không chỉ công nhận, bảo hộ, mà còn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo, theo đúng quy định của pháp luật. Điều này thể hiện cách nhìn mới của Đảng đối với các tổ chức tôn giáo hợp pháp. Tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt chính là tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển. Khi tôn giáo được tạo điều kiện phát triển lành mạnh thì đời sống tôn giáo và tự do tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được tôn trọng, đồng bào tôn giáo sẽ ngày càng có tiếng nói và vị trí quan trọng hơn trong xã hội, qua đó chúng ta càng lôi cuốn, đoàn kết được đông đảo đồng bào vào khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là cách giải quyết vấn đề tôn giáo trong sức mạnh đại đoàn kết dân tộc một cách khoa học, vừa bảo đảm tôn trọng tự do, tín ngưỡng tôn giáo, vừa định hướng cho tôn giáo phát triển lành mạnh theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật, vừa đoàn kết đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ tư: Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật.

Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không có nghĩa là dung túng cho những hành vi “tự do” vô giới hạn mà quyền ấy chỉ trong giới hạn quy định của pháp luật để bảo đảm quyền tự do nói chung của con người.

Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời chống lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động vi phạm pháp luật có quan hệ chặt chẽ với nhau; đặc biệt, trong bối cảnh tôn giáo có nhiều diễn biến phức tạp. Vì thế, phải kiên quyết chống việc lợi dụng tôn giáo vào những mưu đồ xấu, mới đảm bảo được quyền tự do chân chính của đồng bào có đạo và có bảo đảm được quyền đó mới làm cho đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo nhận rõ âm mưu, phòng, chống hiệu quả các thế lực lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại cách mạng.

Từ Nghị quyết 24, Chỉ thị 37, Nghị quyết 25, Chỉ thị 18, Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta luôn xác định phải cảnh giác, đấu tranh, chống các âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước:

- Không chỉ “chủ động phòng ngừa” với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn phải “kiên quyết đấu tranh” với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Khi đã chủ động phòng ngừa, vận động, tuyên truyền, mà một số thế lực phản động vẫn cố tình lợi dụng, lôi kéo, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…, thì chúng ta phải kiên quyết xử lý, bảo đảm cho tôn giáo phát triển lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, góp phần ổn định chính trị, xã hội của đất nước.

- Không chỉ phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn đối với cả “những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”.

Quan điểm này rất phù hợp và cần thiết trong tình hình hiện nay, khi mà các tôn giáo và các hiện tượng tôn giáo mới phát triển khá rầm rộ, khó kiểm soát, trong đó, có những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mới đi ngược lại, hoặc vi phạm truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội và tình hình an ninh chính trị của đất nước. Những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đó có thể không hoặc chưa bị kẻ xấu lợi dụng, nhưng đã trái với quy định của pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục..., gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, thậm chí ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị của đất nước. Làm tốt công tác này góp phần rất quan trọng trong giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước, tăng cường đoàn kết đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc.

Thành phố Cần Thơ hiện có 13/15 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cơ Đốc Phục Lâm, BaHa’i, Phật đường Nam tông Minh sư đạo, Hồi giáo, Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, Tịnh độ Cư sỹ, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và 01 Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (7 tôn giáo ngoại sinh và 6 tôn giáo nội sinh), với 383 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, 503 chức sắc, 1.563 chức việc, với 492.433 tín đồ, chiếm tỷ lệ hơn 40% dân số.

Từ năm 2008 – 2018, Ban Tôn giáo đã tiếp nhận và giải quyết 1.357 đơn của tôn giáo (nội dung đơn: xin phép tổ chức các hoạt động tôn giáo; di dời điểm sinh hoạt tôn giáo, di dời điểm làm việc; xác nhận cơ sở tôn giáo hoạt động hợp pháp; tổ chức thuyết giảng giáo lý; huấn luyện phương pháp truyền giáo; xin phép xây dựng; chia tách, thành lập; khắc dấu; xin chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức các cuộc lễ đạo; phong chức, phong phẩm; mở lớp giáo lý; đăng ký vào học trong các trường tôn giáo; đi lại hoạt động tôn giáo; xuất cảnh ra nước ngoài; in ấn, xuất nhập khẩu kinh sách; cho phép sinh hoạt điểm nhóm của các hệ phái Tin lành và các nhu cầu chính đáng khác được giải quyết nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo). Những nhu cầu chính đáng của tôn giáo đã được Ban Tôn giáo tham mưu để lãnh đạo thành phố xem xét giải quyết công bằng, đúng theo quy định pháp luật và tạo được sự đồng thuận của các tôn giáo.

Việc quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, nên trong thời gian qua, các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã được giải quyết một cách thỏa đáng; công tác tôn giáo đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, góp phần vào qúa trình hội nhập của đất nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn của thành phố./.

 

Ths Phạm Văn Tuấn