Chuyên đề Thực hiện- Nghị quyết Trung ương
Một số giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII
Ngày 12/04/2017 16:42 đăng bởi ngocha
Nhân dân ta luôn tin Đảng và mong muốn Đảng vững mạnh để lèo lái con thuyền cách mạng đưa đất nước ta đến bến bờ vinh quang. Lần này NQTW 4 đã vạch mặt, chỉ tên đúng “bệnh” và qua đó đưa ra “toa thuốc” (nội dung NQTW 4) để chữa trị. Đối chiếu với những nội dung nghị quyết nêu, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, cần đủ dũng khí để “tự điều trị” căn bệnh của mình (nếu gặp phải) sao cho có hiệu quả. Để thực hiện Nghị quyết, xin được trao đổi một số giải pháp, đó là:
1. Đối với sự suy thoái về tư tưởng chính trị.
Trung ương đã chỉ rõ 09 biểu hiện cụ thể, để tránh không bị suy thoái, đảng viên cần phải:
Không ngừng nổ lực học tập, nghiên cứu, rèn luyện tư tưởng, chính trị của bản thân, luôn kiên định lập trường , không bi quan, dao động, mất phương hướng trước những khó khăn, thách thức của đất nước, trước những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Phải luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện cho được Di chúc của Bác Hồ, đó là xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Phải luôn rèn luyện bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên: trước giàu sang, phú quý không bị cám dỗ, trước nguy hiểm, khó khăn không chùn bước, trước hung bạo, cường quyền không bị khuất phục. Phải không ngừng học tập, rèn luyện để vững vàng về lập trường; thông hiểu sâu sắc về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực; chặt chẽ về lý luận và thực tiễn trong giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền phụ trách; giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Nói tóm lại, là ngưởi đảng viên, công chức phải thực sự: vững lập trường, thông đường lối, chặt lý luận, giỏi chuyên môn như lời Bác Hồ nhắc nhở trong Di chúc, đó phải là người cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”.
2. Để tránh suy thoái về đạo đức, lối sống.
Nghị quyết vạch ra 09 biểu hiện, để tránh bản thân sa vào sự suy thoái về đạo đức, lối sống, người đảng viên phải:
Xây dựng cho bản thân và gia đình mình lối sống trong sạch, lành mạnh, trung thực và giản dị; sống gần gũi, gắn bó với mọi người chung quanh, đoàn kết, chan hoà với đồng chí, đồng nghiệp. Đề cao tinh thần đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng; bản thân phải luôn tuân thủ các quy định của Đảng, những quy định về những điều đảng viên không được làm, cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, bản thân phải luôn trung thực trong kê khai, minh bạch tài sản; không kèn cựa, địa vị khi tổ chức phân công; luôn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ khi cơ quan, đơn vị giao cho.
Kiên trì, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chuyên quyền độc đoán, luôn đề cao tư tưởng “mình vì mọi người”, tôn trọng và phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tôn trọng kỷ cương phép nước; nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên để tăng cường đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ, xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong cơ quan đơn vị.
Có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ; nghiêm túc và cầu thị lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý, phê bình đối với những hạn chế, yếu kém mà bản thân gặp phải và đề ra biện pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, yếu kém đó, làm gương cho quần chúng noi theo.
3. Về “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Trung ương đã vạch mặt 09 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; để bản thân không sa vào “bệnh” này, đảng viên cần phải:
Kiên định lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam; kiên quyết đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.
Nghiêm túc trong nói, viết và làm theo đúng nghị quyết, chỉ thị, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước.
Kiên trì, kiên quyết trong đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu sai trái, bọn cơ hội, cá nhân chủ nghĩa và âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, bá quyền; chống âm mưu thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Bản thân đảng viên phải luôn xây dựng cho mình một lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, không bi quan, mơ hồ mất cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, bọn cơ hội, bất mãn chế độ.
Tăng cường công tác vận động quần chúng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo dựng lòng tin và sự đồng thuận xã hội đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII, thiết nghĩ đảng viên chúng ta ngoài việc tạo ra cho bản thân mình sức đề kháng, chống lại mọi cám dỗ, mọi thói hư tật xấu, còn phải xây dựng cho mình bản lĩnh của một đảng viên cộng sản. Muốn vậy, từng đảng viên phải có ý thức nghiêm túc trong việc nghiên cứu, quán triệt, liên tục và thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đó là tư tưởng vì dân, quan tâm chăm lo lợi ích nhân dân, vì lợi ích nhân dân mà phục vụ; người đảng viên ngoài việc học tập, rèn luyện, bản thân còn phải gắn mình với quần chúng, hiểu được tâm trạng, những băn khoăn, trăn trở của của quần chúng để kịp thời tham mưu cho Đảng trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách sao cho hợp lòng dân và đưa những chủ trương, chính sách ấy đi vào lòng dân, vào cuộc sồng, làm cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Nhân dân ta luôn kính trọng và đặt trọn niềm tin nơi Đảng, bởi Đảng là người lãnh đạo tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, song chính sự sa đoạ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận đảng viên đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng của mình. Là người đảng viên, chúng ta có trách nhiệm phải làm thế nào để khôi phục và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; muốn làm được điều đó, trước hết mỗi đảng viên phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn chính bản thân và gia đình mình, phải sống trung thực giản dị, phải tiền phong gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước; thực thi chức trách, nhiệm vụ với tinh thần trong sáng, không kèn cựa, địa vị, không hách dịch, quan liêu, toàn tâm toàn ý “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” ; bởi như Bác Hồ nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (1).
Công tác Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ chỉ thành công khi mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu thực sự dũng cảm và cầu thị, tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc với tinh thần vì Nước, vì Đảng, vì Dân và đưa ra kế hoạch sửa chữa khuyết điểm, hạn chế một cách có hiệu quả, thì lòng tin của Nhân dân đối với Đảng chắc chắn sẽ được củng cố, tăng cường và phát triển.
Để đạt được kết quả đó, mỗi đảng viên, công chức, viên chức phải đặt mình dưới sự giám sát của nhân dân, tự mình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời như Bác Hồ dạy: “ Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (2) cho nên phải ra sức trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng, bởi: “ đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (3)./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t.5, tr. 552
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 293
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t.12, tr. 557,558