Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Tin tức Công tác tôn giáo thành phố Cần Thơ

Tìm hiểu về phẩm trật, cơ cấu tổ chức,ý nghĩa các ngày lễ của Công giáo

Ngày 07/11/2018 10:57 đăng bởi vantuan

       Công giáo là một tôn giáo lớn đứng hàng thứ 3 trên thế giới, việc xây dựng cho mình một hệ thống tổ chức, luật lệ, lễ nghi, phẩm phục phụng vụ rất chi tiết, ý nghĩa, cụ thể và được thực hiện trên toàn thế giới. Để xây dựng đức tin và ni dưỡng đức tin cho các tín hữu. Công giáo có rất nhiều ngày lễ trong một năm (các ngày lễ của Công giáo được tính theo ngày dương lịch). Mỗi ngày lễ và màu sắc phẩm phục phụng vụ của Công giáo có ý nghĩa riêng và được thực hiện với những nghi thức khác nhau:

1/ Những ngày lễ trọng: là những ngày lễ bắt buộc tín đồ Công giáo phải tham dự và giữ lễ.

- Lễ Thiên Chúa giáng sinh hay lễ Giáng sinh (Noel): vào ngày 25 tháng 12. Đây là một trong những ngày lễ được coi là quan trọng nhất của những người Kitô hữu, là ngày kỷ niệm Chúa Giêsu sinh ra tại Bethlehem thuộc Israel ngày nay. Tuy nhiên, theo quan niệm của mỗi nước thì lễ kỷ niệm ngày Thiên Chúa giáng sinh khác nhau, có một số  nước kỷ niệm ngày Noel vào đêm ngày 24 tháng 12, bởi theo lịch Công giáo ngày bắt đầu vào lúc hoàng hôn. Còn theo lịch Công giáo Rôma, lễ chính thức vào ngày 25 tháng 12 hay còn gọi là “lễ chính”, còn đêm 24 tháng 12 là “lễ vọng”.

Ngày nay, ở Việt Nam dù không chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như ngày lễ không chỉ của riêng những người theo Kitô giáo (Công giáo và Tin Lành), được tổ chức vào đêm ngày 24 và sáng ngày 25 của tháng 12, thu hút rất nhiều tín đồ theo Công giáo, Tin Lành và những người không theo đạo kitô giáo tham gia

- Lễ Phục sinh: diễn ra vào một ngày của tháng 4 (chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn – Rằm của tháng sau xuân phân). Đây là lễ kỷ niệm ngày Chúa Giêsu sống lại sau 03 ngày bị đóng đinh và chết trên cây thập giá. Theo luận giải của giáo lý Ba ngôi trong Tân ước, Chúa Giêsu là con Thiên Chúa và là người, đo đó người có quyền năng phó mạng sống mình để cứu nhân loại cũng như phục hồi sự sống. Vì vậy, sau khi chết Chúa Giêsu đã sống lại, sự kiện này được đề cập trong thuật ngữ Cơ Đốc là sự phục sinh của Chúa Giêsu, trở thành ngày lễ tôn giáo quan trọng của người Ki tô hữu, là một biểu tượng tôn giáo về niểm hy vọng và có tác dụng nuôi dưỡng tâm linh.

- Lễ Chúa Giêsu lên trời: là ngày lễ được diễn ra sau 40 ngày của lễ phục sinh. Theo kinh Tân ước, khi Chúa Giêsu sống lại, ngài ở lại cùng các môn đệ trong 40 ngày, sau đó lên trời để kết thúc sự hiện diện của ngài giữa loài người trần thế.

- Lễ Chúa Thánh thần hiện xuống (lễ Giáng xuống, hạ trần, lễ Ngũ Tuần): là kỷ niệm ngày Chúa Thánh thần hiện xuống mang đến những tín hiệu tốt lành về niềm tin và sự sống cho người ki tô giáo. Lễ được cử hành vào ngày thứ 50 bắt đầu ngày lễ phục sinh và sau 10 ngày kể từ ngày lễ Chúa Giêsu lên trời.

- Lễ Đức bà Maria hồn và xác lên trời (Đức mẹ an giấc):  là ngày lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức mẹ của người ki tô giáo. Lễ được cử hành vào ngày 15 tháng 8 và được đông đảo tín đồ ki tô giáo tham gia.

- Lễ các Thánh: là lễ tôn vinh tất cả các vị Thánh ki tô giáo đang hưởng phúc trên thiên đàng. Lễ được tổ chức vào ngày 01 tháng 11 hàng năm hoặc ngày chủ nhật đầu tiên sau lễ Ngũ Tuần.

2/ Những ngày lễ thông thường: là những ngày lễ không bắt buộc các tín hữu phải tham dự, nhưng vẫn được tín đồ tham dự để được nhiều ơn sủng.

- Lễ Đức mẹ Vô nhiễm Nguyên tội: được cử hành vào ngày 08 tháng 12 hàng năm.

- Lễ tro (đầu màu chay): là lễ tổ chức để kỷ niệm việc Chúa Giê su chuẩn bị vào thành Giêrusalem, ở đây Chúa đã giảng cho các môn đệ về sự chết, rằng con người sau khi chết thể xác trở về với tro bụi, còn linh hồn sẽ tồn tại vĩnh cửu.

- Lễ lá : là lễ được tổ chức để kỷ niệm việc Chúa Giê su vào thành Giêrusalem được dân chúng rải lá trên đường đón tiếp. Lễ được tổ chức vào ngày chúa nhật đầu tuần Thánh.

- Lễ Thánh Tông đồ Phê rô và Phao lô: được tổ chức vào ngày 29 tháng 6 hàng năm.

- Lễ cầu nguyện cho các linh hồn: được tổ chức vào ngày 02 tháng 11 hàng năm.

- Tuần Thánh: bắt đầu từ chúa nhật Lễ Lá đến chúa nhật Lễ Phục sinh. Trong Tuần Thánh có những ngày lễ riêng như: lễ truyền phép Mình thánh vào thứ năm; Lễ Chúa Giê su chịu chết vào thứ sáu; Lễ vọng Phục sinh vào thứ bảy; Lễ mừng Phục sinh vào chúa nhật.

Ngoài ra, Giáo hội Công giáo còn chia một năm thành từng tháng, từng mùa để làm chủ đích cho các sinh hoạt tôn giáo và các hoạt động cho tín đồ, như tháng 3 là tháng kinh Thánh cả Giuse; tháng năm là tháng Dâng hoa kính Đức bà Maria; tháng sáu là tháng Trái tim của Chúa Giêsu; tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các linh hồn,...

3/ Ý nghĩa màu sắc phẩm phục phụng vụ:

- Màu tím: là màu của sự ăn năn, thống hối và của sự mong đợt, được dùng trong Mùa Chay, Mùa Vọng, thánh lễ và các nghi thức phụng vụ cầu cho những người qua đời.

- Màu Đỏ: là màu máu và lửa, được dùng trong ngày Chúa nhật Thương khó (lễ Lá), thứ sáu Tuần Thánh, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong các cử hành cuộc thương khó của Chúa, trong lễ kinh các thánh Tông đồ, các thánh sử Tin Mừng và trong lễ kính các thánh tử đạo.

- Màu Trắng (có thể được thay thế bằng màu vàng): là màu gợi lên sự trong sạch, tinh tuyền, nhất là vinh quang của Thiên Chúa, được dành cho các nghi thức phụng vụ và các thánh lễ Mùa Phục Sinh, Mùa Giáng Sinh, lễ kính, lễ nhớ về Chúa (không phải là kính nhớ cuộc thương khó cùa Người), các lễ kính Đức Mẹ, các thiên thần, các thánh không phải là thánh tử đạo. Màu trắng còn diễn đạt sự phục sinh của Chúa ki tô.

- Màu xanh lá cây: là màu được dùng trong các thánh lễ Mùa Thường Niên hoặc quanh năm. Màu xanh lá cây là màu của niềm hy vọng và của sự sống. Khi thấy vị Linh mục tiến lên bàn thờ trong phẩm phục màu xanh lá cây, điều đó cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta là những người có niềm tin hy vọng lớn lao, là đoàn lữ hành đang được Chúa ki tô dẫn đến những cánh đồng cỏ xanh tươi của miền đất hứa.

- Màu Hồng: được sử dụng hai lần trong năm (Chúa nhật III Mùa Vọng và Chúa nhật IV Muà Chay) để mời gọi tín hữu hưởng niềm vui thầm kín và an lành trong niềm trông đợi Đáng Cứu Tinh hoặc trong sự chuẩn bị đón mừng Chúa ki tô phục sinh. Giáo hội Công giáo Việt Nam, màu hồng thường được dùng trong thánh lễ hôn phối.

4/ Về phẩm trật: Trong Giáo hội Công giáo Rôma, Giám mục là một trong ba chức thánh cơ bản về phẩm trật: giám mục, linh mục và phó tế.

Về phẩm trật của hàng Giáo sĩ Giáo Hội Công Giáo thì có: phó tế, linh mục, giám mục.

Ở hàng phó tế: có phó tế chuyển tiếp (các phó tế chuẩn bị lên linh mục), hoặc phó tế Vĩnh viễn .

Ở hàng linh mục thì có thêm tước Đức ông.

Ở hàng giám mục thì có Giám Mục, Tổng Giám Mục, Hồng Y và Giáo Hoàng

Đức ông trong danh xưng Công giáo là một tước vị danh dự do Giáo hoàng ban tặng theo đề nghị của các giám mục địa phương cho một số linh mục có công trạng trong việc phục vụ Giáo hội tại các giáo phận trên toàn thế giới. Hiện nay, theo chính sách mới của Giáo hoàng Phanxicô, tước hiệu Đức ông sẽ chỉ được ban cho linh mục triều trên 65 tuổi.

Giám mục: là chức sắc được tấn phong trong một số giáo hội thuộc cộng đồng Kitô giáo, nắm giữ các vị trí quyền lực trong giáo hội. Theo đó, chức giám mục là cao nhất và tượng trưng cho các tông đồ, trong đó giáo hoàng là tông đồ trưởng, tượng trưng cho Thánh Phêrô. Giám mục do Giáo hoàng chọn và chỉ định qua sự tư vấn của Thánh bộ giám mục hoặc Thánh bộ Truyền giáo. Giám mục được các quyền: tấn phong chức giám mục theo sự bổ nhiệm của Giáo hoàng, truyền chức linh mục và phó tế, chấp nhận lời khấn dòng của các tu sĩ, đồng thời có quyền ban tất cả bí tích cho giáo dân. Các giám mục cũng là những người trực tiếp cùng với Giáo hoàng chia sẻ quyền lực của giáo hội trên toàn thế giới để quản trị Giáo hội Công giáo Rôma.

Giám mục Phó: có quyền kế vị giám mục chính tòa đương nhiệm nếu vị này mãn nhiệm (về hưu, thuyên chuyển nhiệm vụ hoặc qua đời). Việc bổ nhiệm chức danh này nhằm mục đích bảo đảm sự liên tục trong cơ cấu lãnh đạo giáo hội. 

Giám mục Phụ tá: là người phụ tá cho giám mục chính tòa của giáo phận.

Tổng Giám mục: là vị giám mục của một Tổng giáo phận, đây thường là giáo phận có vị trí quan trọng trong lịch sử giáo hội tại địa phương. Tổng giám mục thường chỉ có tính danh dự và không mang thêm thẩm quyền hành xử nào khác

Hồng y: là một tước hiệu danh dự trong Giáo hội Công giáo Rôma do Giáo hoàng phong, dành cho những người đang đảm nhận các chức vụ chủ chốt trong Giáo triều Rôma hoặc đang cai quản các giáo hội địa phương quan trọng trên khắp thế giới.

Giáo hoàng: là vị giám mục của Giáo phận Rôma, do Hồng y đoàn bầu và được giữ ngôi vị đến khi chết.

Về thẩm quyền, có năm thứ bậc: Giáo hoàng/Hồng y (tham mưu, cố vấn giúp Giáo hoàng); Tổng Giám mục (phụ trách tòa Tổng Giám mục); Giám mục (phụ trách giáo phận); Linh mục (phụ trách Giáo xứ).

Về phẩm phục của các vị giám mục là nút, mũ và dây đai có màu tím, các vị Hồng y có màu đỏ và Đức Giáo hoàng sẽ có màu trắng.

5/ Về cơ cấu tổ chức: Giáo hội Công giáo theo ba cấp hành chính chính thức và một số cấp trung gian mang tính liên hiệp.[1]

- Giáo họ

- Giáo xứ (Giáo hội cơ sở) - cấp hành chính chính thức

- Giáo hạt

- Giáo phận (địa phận) - cấp hành chính chinh thức

- Giáo tỉnh và giáo miền

- Giáo hội quốc gia

- Giáo triều Vaticăng (Giáo hội toàn cầu) – cấp hành chính chinh thức

+ Giáo hoàng: là người kế vị Thánh Phêrô, đại diện Chúa Giêsu nơi trần thế, lãnh đạo của Giáo hội Công giáo toàn thế giới, có quyền tối thượng, toàn diện và trực tiếp đối với Giáo hội.

+ Giám mục đoàn và Thượng hội đồng Giám mục:

- Giám mục đoàn: là cộng đồng của tất cả Giám mục trên thế giới hợp với Giáo hoàng để duy trì sự hiệp thông và cai quản của Giáo hội; là thiết chế quan trọng hỗ trợ quyền lực cho Giáo hoàng; quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến đức tin, đường hướng hoạt động, chấn chỉnh tổ chức,…, gọi là Công đồng chung.

- Thượng hội đồng Giám mục: là cơ quan Thường trực của Giám mục đoàn, là hội nghị các giám mục được lựa chọn từ các khu vực trên thế giới do Giáo hoàng triệu tập để bàn, quyết định những vấn đề liên quan đến lợi ích của Giáo hội; nhưng chưa đến mức triệu tập Công đồng chung.

+ Hồng y đoàn: là cộng đoàn riêng của các Hồng y của Giáo hội hợp thành với nhiệm vụ bầu Giáo hoàng và giúp Giáo hoàng cai trị Giáo hội.

+ Giáo triều Vaticăng: là cơ quan đầu não của Giáo hội Công giáo, được tổ chức như là một bộ máy nhà nước thế tục, có vai trò của một nhà nước độc lập có chủ quyền, chỉ huy điều hành hoạt động Công giáo toàn cầu và là cơ quan tư vấn cho Giáo hoàng. Giáo triều Vaticăng có một cơ ngơi đồ sộ, bảo tàng, thư viện, cơ sở nghiên cứu, đào tạo và một nguồn tài chính khổng lồ thu từ các công ty tư bản Âu, Mỹ.

+ Giáo phận: là cộng đoàn tín hữu giới hạn trong một phạm vi địa lý nhất định; là cấp hành chính chính thức của Giáo hội, trực thuộc Tòa thánh Vaticăng về mọi phương diện.

Người cai quản Giáo phận là một Giám mục do Tòa thánh Vaticăng phong, có tuổi đời từ 35 trở lên và giữ chức Linh mục ít nhất là 5 năm.

+ Giáo tỉnh và Giáo miền: là nhóm Giáo hội riêng được Tòa thánh Vaticăng lập, nhưng không phải là cấp hành chính chính thức

- Giáo tỉnh: là một hợp đoàn các Giáo phận trong khu vực để liên kết với nhau trong hoạt động mục sự, có tư cách pháp nhân trong tổ chức Giáo hội.

- Giáo miền: là liên hiệp của nhiều Giáo tỉnh trong một nước do Tòa thánh Vaticăng lập nhằm hỗ trợ việc truyền giáo, quản lý hoạt động mục sự và thiết lập mối quan hệ giữa Giáo hội với chính quyền nhà nước; không phải là cấp hành chính chính thức, nên không nhất thiết có tư cách pháp nhân

+ Giáo xứ và Giáo hạt:

- Giáo xứ (giáo hội cơ sở): là cộng đồng tín hữu có tổ chức được thiết lập một cách bền vững trong Giáo phận; quản lý hoạt động mục vụ và thiết lập quan hệ với chính quyền.

- Giáo hạt: là một đơn vị liên hiệp giữa các giáo xứ theo địa dư trong phạm vi Giáo phận do Giám mục thiết lập; không có tư cách pháp nhân trong cơ cấu tổ chức của Giáo hội

+ Dòng tu: là những cộng đồng tín hữu từ bỏ cuộc sống trần thế để cống hiến trọn đời cho Giáo hội và sự cứu rỗi cho chúng sinh; là cộng đồng tín hữu tuân thủ theo bốn nguyên tắc:

- Thanh khiết: giữ cuộc đời độc thân trọn vẹn.

- Thanh bần: giữ cuộc đời nghèo khó, không ham của thế gian.

- Vâng phục: nghe lời Đấng bề trên, người đại diện cho Thiên Chúa trong đức tin, đức mến.

- Huynh đệ: sống trong tình cảm anh em, trong một gia đình./.

 

                                                                    TVP

 

 

Tài liệu tham khảo

[1] Hỏi và đáp về tín ngưỡng, tôn giáo của PGS.TS. Nguyễn Bá Dương

 


TIN ĐÃ ĐƯA