Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Tin tức Công tác tôn giáo thành phố Cần Thơ

Vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo: Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong tình hình mới.

Ngày 12/12/2016 08:22 đăng bởi vantuan


Trải qua 30 năm đổi mới đã chứng minh và khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử, thành tựu và những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn đã tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đưa nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Vấn đề tôn giáo được Đảng quan tâm. Bởi vì ở nước ta tôn giáo và dân tộc có mối quan hệ khắng khít với nhau. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì phải đoàn kết toàn dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo, giải quyết tốt các vấn đề tôn giáo sẽ tạo tiền đề quan trọng để thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Đại hội XII của Đảng đã khẳng định “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”.

Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chưc tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định pháp luật.

Tôn giáo không chỉ đơn thuần là vấn đề đời sống tâm linh, mà tôn giáo còn là vấn đề văn hoá, đạo đức, lối sống, thông qua sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người, tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần tô đượm thêm bản sắc văn hoá, dân tộc. Trên tinh thần đó để “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”. Đảng ta luôn coi trọng những giá trị văn hoá tốt đẹp của các tôn giáo có thể tiếp thu, vận dụng vào công cuộc xây dựng xã hội mới.

Tiếp tục bước ngoặt trong sự đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta về vấn đề tôn giáo được đánh dấu bằng sự ra đời Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16 tháng 10 năm 1990 “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH.TW khóa IX "về công tác tôn giáo" và ngày 18 tháng 11 năm 2016 Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Những quan điểm đổi mới về công tác tôn giáo của Đảng, thể hiện qua ba vấn đề sau:

Một là: Công tác tôn giáo vừa quan tâm giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, vừa cảnh giác, kịp thời đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo phá hoại cách mạng;

Hai là: Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng;

Ba là: Công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị.

Nghị quyết 25-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương (Hội nghị lần thứ 7, khoá IX) Đảng ngày 12 tháng 3 năm 2003 đã tổng kết và phát triển tư duy lý luận đổi mới của Đảng về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo trong thời kỳ CNH-HĐH, được kế thừa và vận dụng sáng tạo trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 và phướng hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Đảng đã nhận định một số yếu kém trong đó: “Việc xây dựng văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chưa đạt yêu cầu. Nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Quản lý văn hoá, nghệ thuật, lễ hội, các di tích lịch sử còn hạn chế. Xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá còn chậm, hiệu quả chưa cao. Nhiều sản phẩm văn hoá, nghệ thuật chất lượng thấp. Đời sống văn hoá, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế. Thể thao thành tích cao phát triển chậm. Quản lý thông tin, báo chí, nhất là trên Inte et còn nhiều bất cập. Quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng có mặt còn hạn chế”. Từ đó đề ra phương hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Từ những nhận thức mới về vấn đề tôn giáo, Đảng ta đã nêu lên 04 quan điểm mới về công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Một là: Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. Đảng xác định tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã đề ra các kỳ đại hội trước, với tinh thần tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Việc Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là một bước hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta, phù hợp với xu thế hội nhập của thế giới trong tình hình hiện nay;

Hai là: Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo.Trên tinh thần đó Đảng ta coi tín ngưỡng, tôn giáo là một thành tố của văn hoá, có những giá trị mà công cuộc xây dựng xã hội mới có thể tiếp thu. Hơn nữa, mọi tôn giáo chân chính đều răn dạy tín đồ hướng tới cái chân-thiện-mỹ. Đó chính là điểm tương đồng giữa tôn giáo với công cuộc đổi mới vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;

Ba là: Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật. Kế thừa và phát huy những quan điểm theo tinh thần của Đại hội XI.  Đảng, Nhà nước ta không chỉ công nhận, bảo hộ mà còn quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng hiến chương, điều lệ và các quy định của pháp luật, thể hiện tầm nhìn mới của Đảng đối với tổ chức tôn giáo hợp pháp. Việc tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp chính là tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển. Khi tôn giáo phát triển lành mạnh thì đời sống tôn giáo và tự do tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được tôn trọng, đồng bào tín đồ các tôn giáo phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong khối đại đòan kết dân tộc;

Bốn là: Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật. Trong những năm qua, đồng bào các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tôn giáo ở nước ta đã xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, như: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin Lành; “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Vì đạo pháp, vì dân tộc” của Phật giáo Hoà Hảo;…, tập hợp đồng bào tín đồ trong khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Những kết quả đó đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán của Đảng và nhà nước ta về tôn giáo và công tác tôn giáo. Chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền phát huy những giá trị tốt đẹp đó, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.

Những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo trong những năm qua đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc góp phần quyết định, tạo ra sự ổn định trong sinh hoạt tôn giáo, đem lại những thành tựu rất đáng ghi nhận của các tổ chức tôn giáo. Tiếp tục kế thừa và phát huy quan điểm các kỳ Đại hội của Đảng cho thấy quan điểm thống nhất, xuyên suốt của Đảng trong thời kỳ đổi mới nhằm để đoàn kết đông đảo đồng bào và chức sắc tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước./.

                                                             TVP

TIN ĐÃ ĐƯA