Giới thiệu Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ
NGÀNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÔN GIÁO - 63 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG (02/8/1955 – 02/8/2018)
Ngày 02/08/2018 16:46 đăng bởi uthau
Năm 1945, chỉ sau một ngày đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời (03-9-1945), Hồ Chủ tịch đã phát biểu “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do lương, giáo đoàn kết”. Năm 1946, Hiến pháp đầu tiên đã ghi nhận “Nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng”. Năm 1955, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ngày 08/3/1955, một lần nữa Người khẳng định chính sách nhất quán lâu dài của Đảng và Nhà nước: Hiến pháp đã ghi rõ chính sách tự do tín ngưỡng. Chính phủ nhất định làm đúng như vậy…”.
Đến ngày 14-6-1955, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL về vấn đề tôn giáo. Trước yêu cầu mới về công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra Nghị định số 566/TTg ngày 02-8-1955 thành lập Ban Tôn giáo, một đơn vị trong Ban Nội chính Chính phủ trực thuộc Thủ tướng phủ (tiền thân của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay).
I. Các giai đoạn xây dựng, phát triển của ngành QLNN về tôn giáo[1]
Trong quá trình 63 năm xây dựng và phát triển của ngành QLNN về tôn giáo, có thể chia ra làm 3 thời kỳ:
1. Thời kỳ 1955 - 1975
Thời kỳ này, Ban Tôn giáo Thủ tướng phủ đóng vai trò là đầu mối liên hệ với các tổ chức tôn giáo nhằm động viên tín đồ, chức sắc tôn giáo tham gia công cuộc xây dựng đất nước ở miền Bắc, đấu tranh với Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, đấu tranh chống âm mưu cưỡng ép tín đồ Công giáo di cư vào Nam những năm 1954-1955, động viên giới tôn giáo tham gia các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ở miền Bắc thời kỳ này có nhiều tổ chức tôn giáo được thành lập như: Ban Vận động Thống nhất Cao Đài (1956), Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam (1958), Hội thánh Tin lành miền Bắc (1955),… đã góp phần quan trọng trong việc tập hợp, động viên tín đồ, chức sắc các tôn giáo tham gia phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.
Kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 về quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân được ghi rõ hơn so với Hiến pháp năm 1946: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Công hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Cũng trong những năm tháng này, ở miền Nam, một số tổ chức tôn giáo được thành lập như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (1964), Cao Đài Liên giao I (1955), Cao Đài Liên giao II (1972),... đã trở thành hạt nhân trong các phong trào chống Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, đòi độc lập dân tộc và các quyền dân sinh, dân chủ.
2. Thời kỳ 1975-1990
Là thời kỳ Ban Tôn giáo của Thủ tướng phủ thực hiện chức năng, nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về tôn giáo trong điều kiện đất nước mới được thống nhất. Để đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động tôn giáo trong phạm vi cả nước, Ban Tôn giáo của Thủ tướng phủ đã trình Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị quyết số 297/NQ-HĐBT, ngày 11-11-1977 về một số chính sách đối với tôn giáo. Đồng thời làm đầu mối giúp đỡ, hướng dẫn các tôn giáo đi đến thống nhất về tổ chức và xây dựng hiến chương, đường hướng hành đạo theo phương châm: “Tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó với dân tộc.
Kế thừa Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 đã bổ sung: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Thời kỳ này, một số tổ chức tôn giáo được thành lập như: Hội đồng Giám mục Việt Nam (năm 1980) với sự ra đời Thư Chung xác định đường hướng: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”; Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1981) với đường hướng: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
3. Thời kỳ 1990 đến nay
Đây là thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó có lĩnh vực tôn giáo. Thời kỳ này, Ban Tôn giáo Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ giúp Đảng, Nhà nước khẳng định quan điểm, chủ trương, chính sách đối với tôn giáo, vấn đề đáng quan tâm là trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách, pháp luật trên lĩnh vực tôn giáo như: Nghị quyết số 24/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa VI ngày 16-10-1990 “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”. Sau khi có định hướng đổi mới, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 21-3-1991 về các hoạt động tôn giáo. Ngày 02-7-1998 Bộ Chính trị khóa VIII tiếp tục ra Chỉ thị số 37 - CT/TW “Về tăng cường công tác tôn gỉáo trong tình hình mới”. Sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19 - 4 - 1999 thay thế Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 21-3-1991. Đặc biệt là Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ban hành Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12-3-2003 “về công tác tôn giáo”.
Tiếp đó, để thể chế hóa tư tưởng đổi mới đối với công tác tôn giáo thể hiện trong Nghị quyết số 25 - NQ/TW, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với các ngành chức năng xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18-6-2004 và trình Chính phủ ra Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01-3-2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và được thay thế bằng Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08-11-2012. Ngày 04-02-2005, Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành và ngày 31-12-2008 ra Chỉ thị số 1940/2008/CT-TTg về nhà, đất liên quan đến tôn giáo.
Xuất phát từ tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và thực trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, ngày 18-11-2016 Quốc hội đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo; ngày 30-12-2017, Chính phủ ra Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật tín ngưỡng, tôn giáo (Luật và Nghị định số 162 có hiệu lực thi hành để từ ngày 01-01-2018).
Luật ra đời là bước tiến mới trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời có nhiều nội dung mới, đòi hỏi cán bộ, công chức tham mưu công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo phải nắm vững chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tiễn của địa phương, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát huy vai trò của các chức sắc, nhà tu hành, chức việc tiêu biểu, có uy tín, làm tốt trách nhiệm công dân để đoàn kết tập hợp tín đồ. Mặc khác, cấp ủy và chính quyền địa phương tạo điều kiện để các cơ sở tôn giáo và đồng bào có đạo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ðây là vấn đề quan trọng giúp người có đạo được hưởng chính sách của Nhà nước, thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân và tổ chức.
Trong thời kỳ này, dưới ánh sáng đổi mới về công tác tôn giáo, một số tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 41 tổ chức thuộc 15 tôn giáo với khoảng 25,3 triệu tín đồ, 60.799 chức sắc, 133.662 chức việc, 27.916 cơ sở thờ tự.
II. Tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo Chính phủ qua các thời kỳ[2]
Về tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo Chính phủ từ ngày thành lập đến nay, đã có nhiều lần thay đổi để phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử. Khi mới thành lập (1955), Ban Tôn giáo Chính phủ là một đơn vị trong Ban Nội chính Chính phủ và trực thuộc Thủ tướng phủ. Cùng với thời gian, theo yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nên Ban Tôn giáo từng bước được kiện toàn. Ngày 11-6-1964, Phủ Thủ tướng đã ban hành Thông tư số 60/TTg đổi tên Ban Tôn giáo thành Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng. Ngày 27-3-1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 85/HĐBT về việc thành lập Ban Tôn giáo Chính phủ.
Bước vào thời kỳ đổi mới, bộ máy tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ nhiều lần được kiện toàn, đổi mới. Ngày 04-6-1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/NĐ-CP Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Ban Tôn giáo Chính phủ. Để tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, ngày 01-12-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 235/1998/QĐ-TTg về sửa đổi bổ sung một số tổ chức bộ máy thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ. Qua thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị định 37/NĐ-CP của Chính phủ, tiếp thu tinh thần Luật Tổ chức Chính phủ, ngày 13-8-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2003/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo Chính phủ, trong đó nhấn mạnh chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo trong phạm vi cả nước, là đầu mối phối hợp với các ngành về công tác tôn giáo và liên hệ với các tổ chức tôn giáo.
Thực hiện chủ trương về tinh giản biên chế và giảm đầu mối các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 08-8-2007 về việc chuyển Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ. Sau đó, tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo từ tỉnh đến huyện cũng có sự thay đổi. Ngày 03-11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 134/2009/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ. Đây là sự thay đổi lớn trong bộ máy tổ chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
Sau nhiều lần biến đổi về mặt tổ chức, tính đến ngày 12-11- 2014, cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ có 14 vụ, đơn vị và 1 tổ Công tác phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh: 1/ Vụ Công giáo; 2/ Vụ Phật giáo; 3/ Vụ Tin Lành; 4/ Vụ Cao Đài; 5/ Vụ Các tôn giáo khác; 6/ Vụ Hợp tác quốc tế; 7/ Vụ Pháp chế - Thanh tra; 8/ Vụ Tổ chức – Cán bộ; 9/ Văn phòng; 10/ Viện Nghiên cứu Chính sách tôn giáo; 11/ Tạp chí Công tác tôn giáo; 12/ Trung tâm Thông tin; 13/ Trường Nghiệp vụ công tác tôn giáo; 14/ Nhà Xuất bản tôn giáo. Ban Tôn giáo Chính phủ có trưởng ban và không quá 03 phó trưởng ban.
III. Ban Tôn giáo tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ [3]
1. Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ hiện nay được hình thành và phát triển qua các giai đoạn:
Trước năm 1975, công tác tôn giáo chủ yếu là vận động, hình thành các tổ chức yêu nước trong các tôn giáo, vận động, tập hợp chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo phát huy tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi hiệp thương, thống nhất nước nhà. Trong kháng chiến chống Mỹ, công tác tôn giáo ở Cần Thơ tập trung vận động xây dựng lực lượng cốt cán trong các tôn giáo, phát huy vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo; vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đóng góp sức người, sức của góp phần cho thắng lợi lịch sử ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, công tác tôn giáo chuyển sang giai đoạn mới, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Tiền thân của Ban Tôn giáo Cần Thơ là Tiểu ban công tác tôn giáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang được thành lập vào tháng 10 năm 1982.
Năm 1986, Ban Tôn giáo tỉnh Hậu Giang được thành lập theo Quyết định số 290/QĐ-UBT.86 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đến năm 1993 tách tỉnh Hậu Giang, Ban Tôn giáo được đổi tên thành Ban Tôn giáo tỉnh Cần Thơ; năm 1994, các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Cần Thơ tổ chức thành lập Ban Tôn giáo huyện, thị, thành, các Tổ tôn giáo xã, phường, thị trấn cũng được thành lập. Đến năm 1999, Ban Tôn giáo các huyện, thị, thành giải thể, chỉ bố trí một chuyên viên phụ trách tôn giáo thuộc Văn phòng UBND huyện, thị, thành.
Năm 2004, tách tỉnh Cần Thơ thành lập tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, Ban Tôn giáo được giao thêm nhiệm vụ công tác dân tộc; Ban Tôn giáo – Dân tộc thành phố Cần Thơ được thành lập theo Quyết định số 25/2005/QĐ-UB ngày 05/4/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
Năm 2008, Ban Tôn giáo tách khỏi Ban Tôn giáo – Dân tộc nhập về trực thuộc Sở Nội vụ theo Quyết định số 1441/2008/QĐ-UBND ngày 13/6/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ; công tác tôn giáo ở các quận, huyện nhập về Phòng Nội vụ, các xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì hoạt động các Tổ Tôn giáo (do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã kiêm nhiệm cùng Mặt trận Tổ quốc và các thành viên kiêm nhiệm phụ trách công tác tôn giáo ở cơ sở).
Cùng với sự phát triển thăng trầm của cơ quan Quản lý Nhà nước về tôn giáo ở Trung ương; công tác tôn giáo của tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ hôm nay cũng phát triển trong điều kiện có những khó khăn nhất định do cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, dù còn có nhiều khó khăn nhưng đội ngũ công chức, nhân viên làm công tác tôn giáo từ thành phố đến quận, huyện đã có nhiều cố gắng, nổ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao cũng như không ngừng phấn đấu học tập, nghiên cứu, nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác trong thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Thành phố Cần Thơ có diện tích tự nhiên là 1.400,96km², dân số khoảng 1,2 triệu người, gồm 05 quận, 04 huyện và 85 xã, phường, thị trấn; có 12 tôn giáo, tín ngưỡng với 380 cơ sở thờ tự (trong đó cơ sở tín ngưỡng có 78); 49 điểm nhóm tin lành; 939 chức sắc, 517 nhà tu hành; 1.492 chức việc; 487.892 tín đồ (chiếm 41,05% dân số), (Phật giáo Hòa Hảo 233.533 người, Công giáo 94.519 người, Phật giáo 114.519 người; Cao đài 18.139 người; Tin lành 18.044 người, Tịnh độ Cư sĩ 7.475 người, Baha’I 1.286 người; Hồi giáo 173 người; Tứ Ân Hiếu Nghĩa 58 người; Bửu sơn Kỳ hương 42 người; Phật đường Nam tông Minh sư đạo 74 người); Phật giáo Hiếu nghĩa Tà lơn 30 người. Ngoài ra có 13 hệ phái Tin lành chưa được công nhận đang hoạt động tại thành phố Cần Thơ. Có 05 cơ sở đào tạo tôn giáo: Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Đại Chủng viện Thánh quý, Trung Tâm Mục vụ, Trường Trung cấp Phật học và Lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học.
Thực tiễn đã chứng minh với chủ trương chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước, sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền; việc bày tỏ đức tin của tín đồ, lễ nghi, lễ hội tôn giáo được diễn ra bình thường không có sự phân biệt giữa các tổ chức tôn giáo; việc phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo cũng như việc xuất cảnh của chức sắc tôn giáo được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì và mở rộng, đáp ứng nhu cầu các tổ chức, cá nhân tôn giáo; việc in ấn kinh sách và xuất bản các ấn phẩm khác liên quan đên tôn giáo được thực hiện thường xuyên, các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu, hợp tác với các tổ chức tôn giáo nước ngoài; việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa cơ sở thờ tự được quan tâm tạo điều kiện giải quyết thỏa đáng theo quy định của Pháp luật.
2. Về tổ chức bộ máy Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ:
2.1. Cơ cấu tổ chức:
Về tổ chức bộ máy Ban Tôn giáo, có sự quan tâm của thành phố trong việc củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác tôn giáo; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình tổ chức quản lý nhà nước về tôn giáo; quan tâm công tác đào tạo đội ngũ công chức làm công tác tôn giáo nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Bộ máy Ban Tôn giáo và công chức làm công tác tôn giáo từ năm 2003 đến nay có nhiều thay đổi. Năm 2005 thành lập Ban Tôn giáo - Dân tộc trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, về nhân sự có 20 biên chế được tổ chức thành 05 Phòng: Phòng Kitô giáo; Phòng Phật giáo và tôn giáo khác; Phòng Dân tộc; Văn phòng; Thanh tra Tôn giáo - Dân tộc. Đến năm 2008, thực hiện Quyết định số 1441/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ. Năm 2015, Sở Nội vụ ban hành Quyết định số 488/2015/QĐ-SNV ngày 03/8/2015 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ.
Hiện nay, bộ máy được tổ chức thành 03 Phòng: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Nghiệp vụ 1; Phòng Nghiệp vụ 2.
2.2. Về biên chế:
Biên chế công chức, số lượng người làm việc trong Ban Tôn giáo do Giám đốc Sở Nội vụ quyết định trong tổng biên chế công chức và tổng số lượng làm việc thuộc Sở Nội vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện tại, Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ được giao 15 biên chế chính thức (không tính hợp đồng); lãnh đạo ban gồm Trưởng ban và không quá 02 Phó Trưởng ban.
2.3. Về chất lượng công chức:
- Trình độ học vấn: Có 05 Thạc sỹ (03 ngành Tôn giáo học, 01 ngành Châu Á học; 01 ngành Văn học Việt Nam); 10 Cử nhân các chuyên ngành (trong đó 04 Cử nhân Nhân học chuyên ngành Tôn giáo - Dân tộc), có 03 đồng chí đang học lớp Cao học ngành Tôn giáo học, 01 đồng chí đang bảo vệ luận án Tiến sỹ.
- Trình độ chính trị: Cao cấp 02 đồng chí; trung cấp 08 đồng chí.
3. Về Nghiên cứu khoa học:
Ban đã hoàn thành Dự án hệ thống “Thông tin tôn giáo, tín ngưỡng thành phố Cần Thơ” và đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ (www.bantongiao.cantho.gov.vn).
Phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú thành phố Cần Thơ nghiên cứu đề tài khoa học xã hội “Vai trò Phật giáo Nam tông đối với quá trình tu học của thành niên Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ”.
Phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học như: 1/ “Biến động tín ngưỡng, tôn giáo trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa” do Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm) với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) phối hợp tổ chức; 2/ “Thực trạng Công giáo ở các tỉnh Tây Nam Bộ gắn bó đồng hành cùng dân tộc - khó khăn, thuận lợi. Kiến nghị về chủ trương, giải pháp của Ban Tôn giáo Chính phủ, phục vụ Đề án “Công giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành cùng dân tộc”; 3/ “Ảnh hưởng của xã hội đối với việc giáo dục thanh niên Khmer khu vực Tây Nam Bộ” phục vụ đề tài hội “Vai trò Phật giáo Nam tông đối với quá trình tu học của thành niên Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ”; 4/ "Một số thuận lợi, thách thức trong thực tiễn thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo" Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức tại Cần Thơ....
Ngoài ra, còn tham gia viết nhiều chuyên đề và bài tham luận như: 1/ “Thực trạng tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến 2015”; 2/ “Công tác đối với đạo Tin Lành ở thành phố Cần Thơ trong thời kỳ mới”; 3/ “Công tác quản lý nhà nước góp phần cho Công giáo Tây Nam Bộ gắn bó đồng hành cùng dân tộc”; 4/ “Giá trị văn hóa vật thể của người Khmer và việc thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể của người Khmer ở thành phố Cần Thơ”; 5/ “Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thành phố Cần Thơ”; 6/ “Sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ từ năm 2005 đến nay, kinh nghiệm và đề xuất”...
4. Về khen thưởng:
Với những đóng góp thiết thực và có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ, Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ đã được Nhà nước, Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố khen tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 1999; Ban Tôn giáo Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2001, 2002, 2003, 2006, 2007; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, và Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ. Từ 2008 đến 2018, Ban Tôn giáo liên tục được Ủy ban nhân dân thành phố tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; có 50 đồng chí trong và ngoài ngành được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp quản lý Nhà nước về Tôn giáo”.
Tiếp tục phát huy truyền thống 63 năm Ngành Quản lý Nhà nước về tôn giáo, công chức, nhân viên công tác tôn giáo thành phố Cần Thơ tiếp tục phát huy thành tích đạt được vừa qua, nổ lực vượt khó, khắc phục thiếu sót, hạn chế, không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ văn minh, hiện đại./.
UHT
[1] Nguồn tư liệu trên từ Sổ tay Công tác Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ 2015; tài liệu của Trung tâm nghiên cứu – Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo xuấn bản 2008 “Tôn giáo và công tác QLNN đối với các hoạt động tôn giáo”; tài liệu giới thiệu Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ.
[2] Nguồn tư liệu trên từ Sổ tay Công tác Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ 2015.
[3] Ban Tôn giáo Cần Thơ biên soạn.
- BAN TÔN GIÁO THÀNH PHỐ CẦN THƠ - Quá trình hình thành và phát triên (24/11/2015)
- Tìm hiểu về An cư kiết hạ trong Phật giáo (24/05/2018)
- Đôi nét về Ban Tôn giáo (22/01/2015)
- Một số kết quả nổi bật qua 5 năm hoạt động đạo sự của Ban Trị sự Tịnh độ Cư sĩ phật hội Việt Nam thành phố Cần Thơ (2013-2018) (05/01/2019)