Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho


Giới thiệu Các tôn giáo tại Cần Thơ

Nhà thờ Giáo xứ Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh - Một địa chỉ văn hóa, tôn giáo

Ngày 16/11/2016 10:13 đăng bởi ngocha


          Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị “Tôn giáo với việc tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, phát triển kinh tế xã hội” do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức. Được sự cho phép của Ủy ban nhân dân thành phố, sau khi tham khảo ý kiến các ngành chức năng (Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở VH-TT&DL), Ban Tôn giáo đã tổ chức hội nghị triển khai và phát động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đăng ký xây dựng cơ sở văn hóa, văn minh theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng và nội dung Thông tư 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV. Sau hội nghị phát động, đã có 197/278 cơ sở đăng ký và để chuẩn bị cho hội nghị rút kinh nghiệm vào cuối năm; đầu tháng 11/2016, Ban Tôn giáo tiến hành khảo sát một số cơ sở, trong đó có Nhà thờ Giáo xứ Thạnh An.

Chúng tôi đến thăm Nhà thờ Giáo xứ Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh do Linh mục Bùi Duy Tân Hạt trưởng Giáo hạt Vĩnh Thạnh làm Chánh xứ trong dịp Ban Tôn giáo (và một số ngành) khảo sát tình hình xây dựng các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn hóa, văn minh theo phát động của Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ.

Giáo xứ Thạnh An là một trong 16 giáo xứ thuộc Giáo hạt Vĩnh Thạnh (toàn huyện Vĩnh Thạnh có 2 Giáo hạt: Vĩnh Thạnh (16 giáo xứ, 07 giáo họ); Vĩnh An (17 giáo xứ, 05 giáo họ), thuộc Giáo phận Long Xuyên.

Trao đổi với Linh mục Bùi Duy Tân chúng tôi được biết, để hướng dẫn bà con giáo dân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc, nghĩa vụ con chiên đối với Giáo hội, trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của giáo xứ, linh mục đều lồng ghép tuyên truyền để mọi giáo dân cùng nhận thức về trách nhiệm xây dựng giáo xứ khang trang, sạch đẹp, góp phần vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư – sống tốt đời, đẹp đạo”. Những năm qua, giáo xứ đều tham gia tốt các phong trào ở địa phương (như xóa đói giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng nông thôn mới…), hướng dẫn giáo dân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân góp phần xây dựng “xứ, họ đạo 3 không” và tiến lên nhiều “không” hơn nữa.

Để khuyến khích giáo dân trẻ (học sinh) tham gia học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh, Linh mục Chánh xứ đã cùng Hội đồng mục vụ tận dụng khoảng đất trống trong khuôn viên Nhà thờ tạo ra các sân chơi bổ ích, các loại hình học tập, rèn luyện, sinh hoạt văn hóa, thể thao lành mạnh. Nhằm giúp học sinh rèn luyện về ngoại ngữ, tin học, giáo xứ đã tranh thủ đầu tư máy móc, thiết bị, mời giáo viên về giảng dạy, hướng dẫn học sinh, giúp các em không ngừng tiến bộ trong học tập; ngoài giờ học, học sinh có thể đến Nhà thờ vui chơi, giải trí với các bộ môn: cờ vua, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền… Bên cạnh đó, nhu cầu tâm linh đối với người quá cố cũng được quan tâm: Giáo xứ Thạnh An còn có nghĩa trang thoáng mát, như một công viên vĩnh hằng nơi yên nghỉ của người quá cố, bởi ở đây mọi ngôi mộ đều như nhau, không phân biệt (giàu nghèo); có Nhà lưu giữ hài cốt – theo tín ngưỡng tôn giáo là Nhà chờ Phục sinh – với diện tích giai đoạn 1 có khả năng lưu giữ 2.000 hộp hài cốt (giai đoạn 2: thêm 2.000 hộp) theo thứ tự và mã số, có gắn hình ảnh và vào sổ theo sơ đồ bố trí khoa học, dễ tìm.

              Nghĩa trang Gx Thạnh An                                         Nhà chờ Phục sinh

Trao đổi, tâm tình với Linh mục Chánh xứ, Tôi nghiệm ra một điều, đó là người chức sắc, đứng đầu tổ chức tôn giáo nếu hết lòng vì đức tin, vì đời sống tâm linh của tín đồ (giáo dân), ai cũng được như vị Linh mục Chánh xứ Thạnh An, chắc chắn các phong trào thi đua yêu nước, sống “Tốt đời đẹp đạo” sẽ phát triển sâu rộng, bền vững trong cộng đồng.

Được biết, ngoài các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có như sân bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, phòng đọc sách, chơi cờ vua; giáo xứ đang xây dựng thêm sân bóng rỗ để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của giáo dân và bà con  xung quanh. Để đảm bảo là một giáo xứ văn hóa, văn minh và an toàn về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giáo xứ còn trang bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy, sân bãi đậu xe, thùng rác và đã niêm yết Quy chế thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh tại cơ sở (ở những điểm tập trung sinh hoạt, dễ nhận thấy). Đây thực sự là một điểm đến tôn giáo – văn hóa – thể thao – xã hội khá hoàn chỉnh, bởi ngoài các hoạt động trên giáo xứ còn chăm lo cất nhà tình thương cho hộ nghèo không phân biệt trong đạo hay ngoài đời (những năm qua đã cất hàng trăm căn, riêng năm 2016 này cũng đã hơn 120 căn).

Rời Nhà thờ Giáo xứ Thạnh An, chúng tôi cảm nhận được ở tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, thật đúng như Bác nói : Phật dạy đạo đức là từ bi, Chúa dạy đạo đức là bác ái, Khổng Tử dạy đạo đức là nhân nghĩa và quan điểm của Đảng ta cũng xác định: đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Với Giáo xứ Thạnh An, nếu không có lòng bác ái của Chúa, không có lòng bác ái với giáo dân của vị Linh mục chủ chăn thì Giáo xứ Thạnh An không thể có môi trường sạch đẹp và uy nghi về hình thức, trang nghiêm về đức tin và văn hóa, văn minh trong cuộc sống đạo đời ở nơi đây.

Tương lai Giáo xứ Thạnh An chắc chắn sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa, hướng đến mục tiêu phục vụ con người vì đức tin Thiên Chúa./.

                                                                                           Hà Ngọc