Giới thiệu Các tôn giáo tại Cần Thơ
Phật giáo thành phố Cần Thơ - 33 năm hình thành và phát triển
Ngày 28/09/2016 15:46 đăng bởi uthau
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành phố Cần Thơ là cơ quan hành chính đạo, do Đại hội Đại biểu GHPGVN thành phố Cần Thơ suy cử để điều hành, quản lý trực tiếp mọi hoạt động Phật sự của Giáo hội trong địa bàn thành phố Cần Thơ.
I. Quá trình hình thành:
Sau ngày 30/04/1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, giang sơn nối liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà. Đất nước thống nhất là yếu tố thuận lợi, là động lực để Chư tôn đức Giáo phẩm, tăng ni, phật tử các tổ chức Giáo hội, Hệ phái thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo mà các thế hệ tiền bối đã dày công tạo dựng. Đây chính là duyên khởi của sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Để thực hiện nguyện vọng, tâm huyết đó, Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức vào ngày 07/11/1981 tại Chùa Quán Sứ - Thủ đô Hà Nội gồm 165 đại biểu của 9 tổ chức và các hệ phái Phật giáo trên toàn đất nước Việt Nam. Trong ngày trọng đại đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được thành lập.
Kể từ đó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hậu Giang cũng được hình thành và chính thức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Hậu Giang đã tổ chức vào ngày 03/12/1983 tại chùa Thới Long. Năm 1992, tỉnh Hậu Giang được chia ra thành tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cần Thơ, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hậu Giang được đổi tên thành Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Cần Thơ; năm 2004, tỉnh Cần Thơ được chia ra thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Cần Thơ được đổi tên thành Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Cần Thơ; sau khi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ 5 tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Cần Thơ được đổi tên thành Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ.
Trải qua quá trình gần 7 nhiệm kỳ, Ban Trị sự GHPGVN thành phố Cần Thơ hoạt động tuy có sự thay đổi về địa giới hành chính, cũng như qui mô tổ chức, nhưng tăng ni phật tử thành phố Cần Thơ luôn kế thừa và giữ vững truyền thống cao quí của các thế hệ tôn túc đi trước. Suốt quá trình hoạt động Phật sự trong các nhiệm kỳ qua, Phật giáo thành phố Cần Thơ đã đạt được những thành tựu tốt đẹp, chính là do Giáo hội Phật giáo Việt Nam có đường hướng hoạt động đúng đắn phù hợp với Đạo pháp và Dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và thời đại.
Thành quả đạt được trong quá trình vừa qua của Phật giáo Cần Thơ đã dựa vào các yếu tố căn bản:
1. Xác định được khẩu hiệu “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” để làm yếu tố thực hiện tình đoàn kết trong sự lãnh đạo.
2. Nhận thức đúng đắn tinh thần yêu nước và phụng sự Đạo Pháp qua phương châm "Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội" làm động lực cho tăng ni phật tử.
3. Tinh thần "Khế lý, khế cơ" trong giáo lý Đức Phật làm nền tảng để điều hành Phật sự, tạo nên sự hoà hợp tốt đẹp giữa các hệ phái Phật Giáo.
Phật giáo thành phố Cần Thơ hiện có 164 cơ sở tự viện (trong đó 140 cơ sở hợp pháp, 24 cơ sở chưa hợp pháp), gồm có chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường. Với 453 vị tăng ni, trong đó Hòa thượng: 09 vị, Thượng tọa: 14 vị, Ni trưởng: 04 vị, Ni sư: 33 vị, Tỳ kheo: 112 vị, Tỳ Kheo ni: 169 vị, Thức xoa: 23 vị, Sa di: 38 vị, Sa di ni: 42 vị, Tu nữ: 09 vị. Có khoảng 114.000 phật tử.
II. Về tổ chức bộ máy:
Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định, hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có 03 cấp (Trung ương, tỉnh, thành và quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh):
1. Cấp Trung ương: Hội đồng chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các chuyên ban trực thuộc.
2. Cấp tỉnh, thành: Ban Trị sự GHPGVN thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2012 – 2017 có 45 thành viên (Hòa thượng Đào Như làm Trưởng ban) và có 10 Ban chuyên môn, 03 Phân ban trực thuộc, gồm có:
2.1. Ban Tăng sự, gồm 14 thành viên, Hòa thượng Thích Huệ Trường làm Trưởng ban. Có 01 phân ban trực thuộc: Phân ban Đặc trách Ni giới, gồm 30 thành viên (08 chứng minh, 22 thường trực và ủy viên) do Ni sư Thích nữ Diệu Ngộ làm Trưởng Phân ban.
2.2. Ban Hoằng pháp, gồm 15 thành viên, do Thượng tọa Thích Minh Thành làm Trưởng ban.
2.3. Ban Giáo dục Tăng Ni, gồm 13 thành viên, do Đại đức Thích Thiện Nghiêm làm Trưởng ban.
2.4. Ban Văn hóa, gồm 11 thành viên, do Đại đức Thích Minh Phú là Trưởng ban.
2.5. Ban Nghi lễ, gồm 12 thành viên, do Thượng tọa Thích Thiện Huệ làm Trưởng ban.
2.6. Ban Từ thiện - Xã hội, gồm 12 thành viên, do Đại đức Thích Minh Thông làm Trưởng ban.
2.7. Ban Kinh tế - Tài chính, gồm 12 thành viên, do Ni sư Thích nữ Diệu Ngộ làm Trưởng ban.
2.8. Ban Hướng dẫn Phật tử, gồm 13 thành viên, do Hòa thượng Thích Thiện Tài làm Trưởng ban. Trong đó có 02 phân ban trực thuộc: Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử, gồm 14 thành viên, do Đại đức Thích Pháp Tịnh làm Trưởng Phân ban. Phân ban Gia đình Phật tử, gồm 08 thành viên, do Cư sĩ Thạch Hồng Sơn làm Trưởng Phân ban.
2.9. Ban Kiểm soát, gồm 15 thành viên, do Đại đức Thích Đức Toàn làm Trưởng ban.
2.10. Ban Pháp chế, gồm 15 thành viên, do Thượng tọa Lý Hùng làm Trưởng ban.
3. Cấp quận, huyện: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận, huyện nhiệm kỳ 2016-2021, gồm: 1/ quận Ninh Kiều có 24 thành viên, do Thượng tọa Lý Hùng làm Trưởng ban; 2/quận Bình Thủy có 09 thành viên, do Đại đức Thích Bình Tâm làm Trưởng ban; 3/ quận Cái Răng có 08 thành viên, do Thượng tọa Thích Thiện Thông làm Trưởng ban; 4/ quận Ô Môn có 11 thành viên, do Đại đức Thích Thiện Nghiêm làm Trưởng ban; 5/ quận Thốt Nốt có 16 thành viên, do Thượng tọa Thích Thiện Huệ làm Trưởng ban; 6/ huyện Thới Lai có 09 thành viên, do Thượng tọa Mai Xe làm Trưởng ban; 7/ huyện Phong Điền có 07 thành viên, do Đại đức Thích Bình Tâm làm Trưởng ban; 8/ huyện Cờ Đỏ có 10 thành viên, do Thượng tọa Dương An làm Trưởng ban; 9/ huyện Vĩnh Thạnh có 07 thành viên, do Thượng tọa Thích Thiện Huệ làm Trưởng ban.
III. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tăng ni:
Nhằm đào tạo đội ngũ Tăng Ni trẻ có trình độ kiến thức và đạo đức, để kế thừa truyền trì Phật pháp, phát huy sự nghiệp Hoằng pháp lợi sanh. Phật giáo Cần Thơ luôn quan tâm đầu tư nhiều công sức, khắc phục nhiều khó khăn để công tác giáo dục Tăng, Ni đủ điều kiện hoạt động theo định hướng phát triển của Giáo hội.... Trong các nhiệm kỳ qua, Phật giáo Cần Thơ đã mở các trường đào tạo:
* Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thành lập vào năm 2006: khóa I có 68 tăng sinh, khóa II có 29 tăng sinh, khóa III có 11 tăng sinh, khóa IV có 12 tăng sinh. Đặc biệt, đầu năm 2016, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội mở lớp đào tạo Đại học ngành Tôn giáo học hệ vừa học vừa làm cho Tăng sinh Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, có 51 tăng sinh theo học.
* Trường Cơ bản Phật học: Khoá I (1989 - 1993) gồm 42 Tăng Ni sinh. Khoá II (1993 - 1997) gồm 36 Tăng Ni sinh
* Trường Trung cấp Phật học: Khoá I (2011 - 2015) gồm 85 Tăng Ni sinh. Khoá II (2015 - 2018) gồm 143 Tăng Ni sinh.
* Trường Cao Đẳng chuyên khoa Phật học: Khoá I (1998 - 2001) gồm 112 Tăng Ni sinh. Khoá II (2002 - 2004) gồm 46 Tăng Ni sinh.
* Lớp Cao Đẳng chuyên khoa Phật học: Khoá I (2015 - 2017) gồm 87 Tăng Ni sinh.
* Lớp Sơ cấp Phật học: khóa I (2009 – 2011) gồm 50 Ni sinh.
Tăng Ni trong diện đào tạo, hầu hết đã tốt nghiệp trung cấp và Cao Đẳng Phật học, là chương trình đào tạo cao nhất ở địa phương. Một số vị có nguyện vọng học tiếp để nâng cao trình độ Phật học và thế học đều được Ban Trị sự động viên tạo điều kiện giới thiệu, thi tuyển hoặc cử tuyển vào các trường đào tạo cao hơn theo nguyện vọng. Hiện nay TP Cần Thơ có 27 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp cử nhân Phật học và khoá giảng sư Cao, Trung cấp và Trung cấp do Ban Hoằng Pháp Trung ương GHPGVN đào tạo tại TP Hồ Chí Minh. Có 03 vị đang học chương trình Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh.
Ngoài ra còn có một số vị đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo, đang đảm đương nhiệm vụ công tác Giáo hội tại địa phương. Trong số này có: 02 vị Tiến sĩ Phật học; 01 vị cử nhân Luật và Thạc sĩ Tôn giáo học hiện đang nghiên cứu sinh; 20 vị tốt nghiệp cử nhân Phật học; 25 vị Giảng sư, Cao Đẳng và Trung cấp Phật học.
IV. Tham gia các hoạt động xã hội:
1. Từ thiện nhân đạo:
Bằng tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật và đạo lý dân tộc Việt Nam “phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” hay “lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tăng Ni Phật tử thành phố Cần Thơ dưới sự chỉ đạo của các cấp Giáo Hội đã nổ lực vận động tài chánh, phẩm vật để chia sẻ tương thân tương ái đến các hộ gia đình khó khăn, các vùng thiên tai, lũ lụt, ủng hộ quỹ vì người nghèo, do Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc phát động … Phật giáo thành phố Cần Thơ thời gian qua đã xây dựng nhiều nhà tình thương, cầu đường giao thông nông thôn, thăm viếng tặng quà trại tâm thần, nhà dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi, trẻ em nạn nhân chất độc da cam.... Với tổng số tiền là 92.771.478.000 đ (Chín mươi hai tỷ, bảy trăm bảy mươi mốt triệu, bốn trăm bảy mươi tám nghìn đồng).
Ngoài ra nhiều cơ sở tự viện có điều kiện thuận lợi đã tổ chức khám trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền như: hốt thuốc nam, châm cứu… Chương trình mổ mắt lắp đặt thuỷ tinh thể miễn phí ... ủng hộ các lớp học tình thương, giúp trẻ em nghèo hiếu học, thành lập Chi hội Khuyến học....
2. Tham gia các cơ quan, đoàn thể:
Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, thực hiên ý nghĩa phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Với tư cách là thành viên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Tăng Ni Phật tử Phật giáo thành phố Cần Thơ luôn găn liền với dân tộc tạo mối quan hệ tốt với xã hội qua phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Tham gia tích cực các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, góp ý xây dựng chính quyền, các đoàn thể vững mạnh.
Hiện tại một số vị tăng ni Phật giáo thành phố Cần Thơ đã được bầu chọn vào các chức danh như sau:
- Ủy viên UBTW. MTTQVN : 01 vị
- Đại biểu HĐND cấp Thành phố : 01 vị
- Đại biểu HĐND cấp quận, huyện : 06 vị
- Đại biểu HĐND Phường Xã : 12 vị
- Ủy viên UB. MTTQ.VN cấp thành phố : 04 vị
- Ủy viên UB.MTTQ.VN cấp quận, huyện : 22 vị
- Ủy viên UB.MTTQ xã, phường, thị trấn : 12 vị
- Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ Tp : 01 vị.
- Ủy viên BCH Hội LHPN quận, huyện : 07 vị.
Nhìn chung, qua 33 năm hình thành và phát triển với tinh thần hoà hợp đoàn kết tăng ni phật tử thành phố Cần Thơ đã góp phần thực hiện đúng tôn chỉ GHPGVN đã đề ra trong Hiến chương và tinh thần của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.
Với sức mạnh từ tinh thần hoà hợp đoàn kết giữa các hệ phái, tổ chức Phật giáo thành phố Cần Thơ đã thực sự vững mạnh, kế thừa và phát huy được những thành tựu từ các tổ chức Tỉnh hội Phật giáo Hậu Giang, Cần Thơ (cũ) Thành hội Phật giáo TP Cần Thơ, nay là Ban Trị sự GHPGVN thành phố Cần Thơ. Nhân sự của Ban Trị sự các cấp đã thực hiện dựa trên nguyên tắc hoà hợp đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động; thống nhất về lãnh đạo và tổ chức, đó là một ưu điểm lớn quyết định sự phát triển của Phật giáo địa phương.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, tăng ni phật tử Phật giáo thành phố Cần Thơ đã và đang tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước. Trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hoá, an ninh quốc phòng tại địa phương Cần Thơ đều có phần cống hiến không nhỏ của Tăng Ni Phật tử./.
Út Hậu