Tin tức Các hoạt động khoa học về tôn giáo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi Hiến chương lần thứ VII
Ngày 22/03/2023 10:46 đăng bởi uthau
Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) sửa đổi lần thứ VII tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, về căn bản kế thừa các nội dung, điều khoản của Hiến chương hiện hành. Việc sửa đổi Hiến chương nhằm hoàn thiện Hiến chương theo hướng phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Nhà nước liên quan như: Bộ luật Dân sự 2015, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và các quy định của pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tầm nhìn, định hướng tương lai hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Nội dung Đại hội IX trình Dự thảo sửa đổi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Hiến chương sửa đổi có 14 chương, bao gồm Lời nói đầu và 87 điều (nhiều hơn 1 chương và 16 điều so với Hiến chương hiện hành). Nội dung sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống tổ chức GHPGVN.
Hiến chương hiện hành quy định hệ thống tổ chức GHPGVN gồm 3 cấp: cấp Trung ương; cấp Tỉnh, Thành phố; cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Hiến chương sửa đổi quy định hệ thống tổ chức GHPGVN gồm 4 cấp, bổ sung cấp Cơ sở là Ban Quản trị chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường.
Việc bổ sung cấp Cơ sở tự viện trong hệ thống tổ chức Giáo hội nhằm đáp ứng yêu cầu rất thiết thực của cơ sở tự viện trong thực tiễn. Lý do bổ sung sửa đổi vì, cơ sở tự viện của GHPGVN là nơi thành viên của Giáo hội gồm: Tăng Ni tu hành, Cư sĩ, tín đồ Phật tử tu tập, thực hành giáo pháp; là nơi tổ chức, triển khai, diễn ra tất cả các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Do đó, thực tế đòi hỏi phải tăng cường sự quản lý chặt chẽ của Giáo hội các cấp về các hoạt động tôn giáo tại các cơ sở tự viện. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở tự viện là trụ trì chịu trách nhiệm trước Giáo hội các cấp và pháp luật Nhà nước về các hoạt động tôn giáo tại cơ sở tự viện. Vì vậy, cơ sở tự viện cần thiết phải được công nhận là tổ chức tôn giáo trực thuộc, có tư cách pháp nhân phi thương mại theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.
Trong quá trình tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo theo quy định của Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập của việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tự viện chùa Phật giáo khi không được Hiến chương quy định là tổ chức tôn giáo trực thuộc. Hiện nay Quốc hội, Chính phủ đang dự thảo và lấy ý kiến vào Luật Đất đai sửa đổi, trong đó có nhiều ý kiến về nội dung về đất đai tôn giáo giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc… Do đó, để Hiến chương phù hợp với các bộ luật liên quan thì cần thiết phải quy định công nhận tổ chức tôn giáo trực thuộc cấp cơ sở của GHPGVN.
2. Quy định rõ tổ chức tôn giáo các cấp trực thuộc trong hệ thống tổ chức GHPGVN (Khoản 2, Điều 12, Chương III; Điều 30, Chương V).
3. Kiện toàn tổ chức và cụ thể hóa vai trò lãnh đạo tối cao của Hội đồng Chứng minh (HĐCM).
- Đổi tên Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh thành Ban Giám luật.
- Đưa ra các tiêu chuẩn thành viên HĐCM: có ít nhất 70 tuổi đời và 50 tuổi đạo; đã từng tham gia Hội đồng Trị sự hoặc Ban Trị sự các cấp, có nhiều công lao đóng góp cho đạo pháp và dân tộc.
- Hiến chương sửa đổi lần này cho phép áp dụng trường hợp đặc biệt đối với chư tôn đức là lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Hội đồng Trị sự khi đủ điều kiện tiêu chuẩn theo Hiến chương và theo yêu cầu đề nghị của hai Hội đồng thì sẽ được tham gia vào Hội đồng Chứng minh.
4. Bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự cấp tỉnh:
- Điều 19 và Điều 32 Hiến chương hiện hành cần bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự cấp tỉnh trong việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc.
- Thẩm quyền của Hội đồng Trị sự trong việc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc. Việc bổ sung này nhằm phù hợp với quy định từ Điều 27 đến Điều 31 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.
5. Quy định độ tuổi tham gia thành viên Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố:
- Độ tuổi thành viên Hội đồng Trị sự phải đảm bảo về độ tuổi không dưới 35 tuổi và không quá 75 tuổi. Thành viên được giới thiệu tham gia Hội đồng Trị sự lần đầu phải đảm bảo đủ độ tuổi tham gia trọn hai nhiệm kỳ; Thành viên tái cử phải đảm bảo đủ tuổi tham gia ít nhất 3 năm của nhiệm kỳ.
- Độ tuổi tham gia Ban Trị sự cấp tỉnh và cấp quận, huyện phải đảm bảo về độ tuổi không dưới 25 tuổi và không quá 70 tuổi. Thành viên được giới thiệu tham gia Ban Trị sự lần đầu phải đảm bảo tối thiểu đủ độ tuổi tham gia trọn một nhiệm kỳ; Thành viên tái cử phải đảm bảo đủ tuổi tham gia 3 năm của nhiệm kỳ.
- Được xét thêm thời gian công tác Phật sự khi quá độ tuổi theo quy định đối với trường hợp là lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Hội đồng Trị sự và của Ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố theo trình tự quy định của Hiến chương.
6. Bổ sung quy định về thẩm quyền của Ban Trị sự cấp huyện trong việc đề xuất bổ nhiệm thành viên Ban Quản trị tự viện.
- Khoản 8 Điều 40 Hiến chương hiện hành cần bổ sung quy định về thẩm quyền của Ban Trị sự cấp huyện trong việc đề xuất bổ nhiệm thành viên Ban Quản trị tự viện. Việc bổ sung này nhằm phù hợp với quy định về hệ thống tổ chức 4 cấp của GHPGVN.
- Hiến chương sửa đổi đã hủy bỏ quy định tại khoản 5 Điều 40 Hiến chương hiện hành về thẩm quyền của Ban Trị sự cấp huyện trong việc chuẩn y thành phần nhân sự, Nội quy hoạt động của Ban Hộ tự và các đạo tràng, câu lạc bộ sinh hoạt Phật giáo tại cơ sở tự viện trong địa bàn huyện.
7. Quy định cấp hành chính thứ 4 là Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Cơ sở (Chương VIII) đó là Ban Quản trị tự viện.
- Ban Quản trị cơ sở tự viện là tổ chức tôn giáo trực thuộc cấp cơ sở của GHPGVN, chịu sự quản lý và sự lãnh đạo thống nhất của Giáo hội cấp trên theo Hiến chương và Quy chế của Giáo hội. Ban Quản trị cơ sở tự viện là cơ quan hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự tại tự viện.
- Trưởng ban Ban Quản trị cơ sở tự viện và Phó Trưởng ban Ban Quản trị tự viện là Tăng Ni. Trưởng ban Ban Quản trị tự viện do Trụ trì đảm nhiệm. Các thành viên khác của Ban Quản trị tự viện là Tăng Ni, hoặc Cư sĩ, Phật tử có uy tín, năng lực làm việc, có đạo hạnh tốt, có công đức đối với đạo pháp và dân tộc.
8. Quy định rõ tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, và của thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Điều 78 và Điều 79, Chương XII).
Ban Trị sự các cấp, Ban Quản trị cơ sở tự viện, và Thành viên Giáo hội nhằm phù hợp với địa vị, bản chất pháp lý của từng chủ thể đảm bảo tính tương thích, sự phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, trong các quy định về tài sản của các chủ thể vẫn đảm bảo nguyên tắc xác lập, quản lý và định đoạt tài sản phù hợp với quy định trong các điều luật, giáo lý Phật giáo, Hiến chương của Giáo hội.
9. Quy định về việc khen thưởng – kỷ luật.
Hình thức khen thưởng mới là danh hiệu “Tuyên dương Công đức Phật Hoàng Trúc Lâm” do Hội đồng Trị sự quyết định tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, công đức to lớn đối với đạo pháp và dân tộc. Đây được xem như hình thức khen thưởng cao quý như huân chương, huy chương, kỷ niệm chương. Danh hiệu “Công đức Phật Hoàng Trúc Lâm” là hiện vật (đã được sử dụng làm logo trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN) và đi kèm với tuyên dương công đức.
10. Hiệu lực thi hành và thời gian áp dụng Hiến chương sửa đổi:
Hiến chương sửa đổi lần thứ VII đã được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX biểu quyết thông qua ngày 29-11-2022 tại Hà Nội, đã được Ban Tôn giáo Chính phủ phê chuẩn tại văn bản số: 2114/TGCP-PG ngày 23-12-2022, có hiệu lực từ ngày Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký Quyết định ban hành số: 600/QĐ-HĐTS ngày 26-12-2022./.
Thạch Út Hậu
- Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu kiện liên quan đến tôn giáo (31/07/2023)
- Hội nghị đánh giá thực trạng hoạt động an sinh xã hội do tổ chức tôn giáo thành lập và quản lý trên địa bàn thành phố Cần Thơ. (24/08/2023)
- Đoàn của Học viện Chính trị khu vực IV thăm và làm việc tại Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ (24/07/2023)
- Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Cần Thơ sơ kết phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo 6 tháng đầu năm 2019 (24/07/2019)
- Hội thảo khoa học Một số thuận lợi, thách thức trong thực tiễn thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo (24/07/2018)
- Hội thảo khoa học: Đời sống tôn giáo Việt Nam đương đại-Đời sống các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam (23/11/2022)
- Hội thảo khoa học “Xu hướng vận động của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030” (23/08/2022)
- NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU MỚI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG, CƠ HỘI CHÍNH TRỊ LỢI DỤNG VẤN ĐỂ TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC (22/04/2024)
- Hội nghị Tổng kết Công tác Phật sự năm 2017 (21/12/2017)
- Ban Đại diện Hội thánh Báp tít thành phố Cần Thơ tổ chức mừng Chúa Giáng sinh 2017 (21/12/2017)
- Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức Hội thảo khoa học (16/12/2019)
- Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần VI (14/08/2015)
- Lễ Bế giảng và trao bằng Thạc sĩ cho lớp Cao học không tập trung khóa 19 chuyên ngành Tôn giáo học và Xây dựng Đảng (14/08/2015)
- PHẬT GIÁO HÒA HẢO HUYỆN PHONG ĐIỀN TỔ CHỨC TRIỂN KHAI HIẾN CHƯƠNG (13/11/2017)
- Hội thảo Đạo Cao Đài ở Việt Nam hiện nay, thực trạng, biến đổi và gợi ý chính sách (03/10/2023)
- CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ HOẠT ĐỘNG PHẬT GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ (03/10/2017)
- Cần Thơ: Hội nghị cập nhật kiến thức công tác tôn giáo năm 2014 (02/11/2015)
- LỄ KHÁNH THÀNH ĐÌNH THẦN GIAI XUÂN (02/10/2017)
- Hội thảo khoa học: Phối hợp đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ (01/01/2020)